Loãng xương có thể gây gãy xương, khiến người bệnh bị tàn phế. Loãng xương không chỉ hay gặp ở người cao tuổi, mà nhiều đối tượng khác, kể cả trẻ em cũng dễ mắc căn bệnh này.
>> Bí kíp ăn uống ngừa loãng xương
>> 10 lời khuyên phòng tránh bệnh loãng xương
Loãng xương rơi vào những đối tượng nào?
Theo TS Đỗ Khánh Hỷ, Viện phó Viện Lão khoa, những đối tượng dưới đây có nguy cơ cao mắc bệnh loãng xương:
1. Người có khung xương to thường ít bị loãng xương vì họ có khung xương vững chắc, ngược lại, những người có khung xương nhỏ sẽ có tỉ lệ loãng xương cao hơn nhiều so với những người khác…
2. Người béo phì có nguy cơ loãng xương, thoái khớp nhiều hơn người gầy. Đối với những em nhỏ bị béo phì, nguy cơ bị loãng xương cũng rất cao. Ở người béo phì, bộ xương phải chịu đượng sức nặng quá cỡ của cơ thể khiến nó nhanh chóng bị tác động làm xương yếu đi, các khớp dễ bị thoái hoá hơn.
3. Phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh nguy cơ bị loãng xương cao. Ở tuổi mãn kinh, nội tiết tố suy giảm, trong khi đó, nội tiết tố lại đóng góp rất quan trọng trong chuyển hoá của xương để đảm bảo sự vững chắc cho khung xương. Sau khi mãn kinh, nguy cơ loãng xương càng tăng lên. Đặc biệt ở những người mãn kinh sớm (trước tuổi 45 tuổi) thì khả năng bị loãng xương càng cao hơn.
4. Những phụ nữ bị cắt buồng trứng cũng có nguy cơ cao bị loãng xương. Vì một lý do nào đó, như bị u nang, chửa ngoài tử cung… khiến người phụ nữ buộc bị cắt bỏ buồng trứng thì cũng có nguy cơ loãng xương cao.
5. Người càng lớn tuổi càng có nguy cơ cao bị loãng xương, đặc biệt, ở phụ nữ, tỷ lệ loãng xương ở người lớn tuổi cao hơn nam giới.
Phòng loãng xương:
Mặc dù bệnh thường xuất hiện ở tuổi trung niên trở đi nhưng việc ngăn ngừa loãng xương, phải có ý thức phòng bệnh ngay từ khi còn trẻ thì mới có hiệu quả.
Có nhiều biện pháp hữu hiệu nhất để phòng và chống loãng xương. Thứ nhất, đó là đa dạng hoá bữa ăn, không nhất thiết chỉ ăn những thức ăn giàu canxi như cua, trứng, sữa… mà phải đảm bảo đủ các dưỡng chất cho cơ thể. Khi ăn các thực phẩm giàu canxi nên nấu nhừ để ăn cả xương.
Ngoài ra, có thể bổ sung thêm canxi bằng các loại cốm, sữa giàu canxi. Thứ hai, là tăng cường vận động như đi bộ, leo cầu thang, tập tạ… để tăng sự dẻo dai cho xương.
Hồng Hải