Bướu cổ đơn thuần là một bệnh to tuyến giáp, bệnh thường do thiếu i-ốt, gặp ở nữ nhiều hơn nam giới.
3 mức độ
Bướu cổ đơn thuần thường gặp nhiều ở lứa tuổi trưởng thành, lúc có thai, cho con bú và thời kỳ tắt kinh.
Về nguyên nhân, theo y học cổ truyền, bướu cổ đơn thuần là bệnh lý chủ yếu là do khí trệ, đàm thấp – nghĩa là, người bệnh có tỳ khí kém, thêm ảnh hưởng của thức ăn, nước uống làm cho đàm thấp nội sinh, đàm thấp sinh nhiều càng tăng thêm khí trệ mà sinh bệnh. Hoặc do tức giận, thướng can, can khí không thông đạt, uất nên sinh đờm, đờm khí kết ở cổ mà sinh bệnh. Triệu chứng biểu hiện trên lâm sàng chủ yếu là to tuyến giáp. Thể tán phát gặp nhiều ở nữ ở tuổi dậy thì, có thai, cho con bú, lúc tắt kinh thường to hơn, và qua những kỳ đó tuyến giáp nhỏ lại. Thường tuyến giáp to nhẹ tản mạn, chất mềm và trơn láng. Đến tuổi trung niên về sau, bướu có thể cứng và có nốt cục.
Bướu cổ địa phương (tập trung một vùng có nhiều người mắc) thì kích thước to nhỏ không chừng. Theo độ to nhỏ có thể chia làm các mức độ: độ 1 – phải nhìn kỹ, có khi phải nhìn nghiêng mới phát hiện hoặc phải sờ nắn mới biết; độ 2 – nhìn thẳng đã thấy bướu to; độ 3 – bướu rất to. Có những trường hợp bướu nằm ở vị trí đặc biệt, hoặc bị chèn ép khó chẩn đoán.
Trị theo thể
Thường y học cổ truyền chia bướu cổ đơn thuần làm hai thể và mỗi thể có cách trị khác nhau. Cụ thể: với thể khí trệ – triệu chứng biểu hiện thường là: bướu cổ to, và to hơn lúc người bệnh giận dữ, lúc có kinh hay có thai; bụng đầy, đau bên sườn, bụng dưới đau… Phép trị thể này là “lý khí, giải uất”, dùng bài thuốc gồm các vị: trần bì, hải cáp phấn (mỗi loại 8g), hải đới, hải tảo (mỗi loại 30g), hải phiêu tiêu, côn bố (20 – 30g), mộc hương, hương phụ, uất kim (cùng 12g). Nếu khí uất hóa hỏa, người phiền táo, dễ tức giận, hồi hộp mất ngủ, ra nhiều mồ hôi, run tay thì gia thêm đơn bì, sơn chi, liên tử tâm, hoàng liên, hạ khô thảo, long đởm thảo (mỗi loại 8 – 12g).
Với thể đàm thấp – triệu chứng biểu hiện: bướu cổ to, thường mỏi chân tay, buồn ngủ, tức ngực, ăn uống kém, đầy bụng… thì phép trị sẽ là “hóa đàm, nhuyễn kiên, kiện tỳ, trừ thấp”, dùng bài thuốc “Lục quân tử thang hợp hải tảo ngọc hồ thang gia giảm”, gồm các vị: trần bì, bán hạ, xuyên khung (cùng 8g), đương quy, đảng sâm, bạch truật, bạch linh, xuyên bối mẫu (cùng 12g), hải tảo, hải đới, côn bố (cùng 30g) và 4g cam thảo. Nếu chân tay lạnh, người sợ lạnh thì thêm 3-4g nhục quế, 6 – 10g phụ tử chế. Nếu bướu to có cục thì gia thêm 12g đơn sâm, 10g hương phụ chế, 10g đào nhân, và 6g hồng hoa.
Cách sắc (nấu) những bài thuốc trên: nước thứ nhất cho các vị thuốc vào cùng 4 chén nước, nấu còn lại 1 chén. Nước hai cho vào 3 chén nước, nấu còn nửa chén. Hòa hai nước lại chia làm 3 lần dùng trong ngày.
Ngoài ra, còn có thể dùng một số bài thuốc đơn giản hơn như: hải tảo, côn bố (lượng bằng nhau) đem tán thành bột mịn, luyện mật làm viên hoàn, mỗi lần dùng 10-20g ngậm rồi nuốt sau bữa ăn tối. Có thể dùng lâu dài; hoặc hải tảo, côn bố (lượng bằng nhau), thanh bì (lượng bằng l/3 hai loại trên) đem sao vàng tán bột làm viên hoàn. Mỗi ngày dùng 10g sau bữa ăn tối; hoặc uất kim, đơn sâm, hải tảo (cùng 15g) đem sắc uống ngày 1 thang, có thể dùng liên tục trong 3-4 tuần (bài này dùng cho thể khí trệ).
Khi thấy bướu cứng, không đau, có nhân cần cảnh giác ung thư.