Bài thuốc chữa đau thần kinh liên sườn

Bài thuốc chữa đau thần kinh liên sườn

Đau thần kinh liên sườn thường do 2 nguyên nhân chính: một là do can khí uất kết, kinh mạch khí huyết trì trệ, bế tắc. Hai là do phong hàn lưu trú làm cho khí huyết trở trệ, gây đau đớn, các bộ phận lân cận bị ảnh hưởng, sinh ra một loạt những triệu chứng: đau tức, trướng đầy, chân tay lạnh, cử động khó khăn, tinh thần dễ căng thẳng, ăn uống kém, khả năng lao động bị giảm sút… trong đó biểu hiện rõ nhất là đau, đau tức 2 bên sườn, khi ho, khi nấc thì đau tăng lên.

Theo Đông y, hai bên sườn là vùng mà 2 kinh Can và Đởm đi qua nên khi khám bệnh cần phải chú ý đến 2 kinh mạch này. Từ những triệu chứng rất cụ thể, Đông y đã đề ra phương pháp chữa trị cho từng thể lâm sàng. Xin được giới thiệu để bạn đọc có thể tham khảo và áp dụng khi cần:
Thể can uất kết
Triệu chứng: Đau tức vùng liên sườn, cảm giác trướng đầy, da vàng, tiểu đỏ, khi ho, khi nấc thì đau tăng lên, ăn uống kém, đắng miệng, tính tình dễ bị gắt gỏng, khó ngủ, ngủ chập chờn…
– Nguyên tắc điều trị: Sơ can, hòa can lý khí, trục ứ thông lạc, an thần giảm đau.
Bài 1: Đan bì 10g, chi tử 10g, sài hồ 12g, bạch thược 12g, uất kim 10g, hương phụ 12g, cam thảo 10g, đại hoàng 6g, trinh nữ 16g. Ngày 1 thang, sắc 3 lần, uống 3 lần.
Bài 2: Hồng hoa 6g, tô mộc 20g, chỉ xác 10g, đương quy 12g, ngân hoa 12g, xương bồ 12g, nam tục đoạn 20g, kinh giới 12g, rau má 20g. Ngày 1 thang, sắc 3 lần, uống 3 lần.
Bài 3: Sài hồ 12g, chi tử 10g, cỏ mần trầu 16g, nam hoàng bá 12g, đương quy 12g, bạch thược 12g, cát căn 16g, cà gai leo 12g, xấu hổ 16g, đinh lăng 16g, cam thảo 12g. Ngày 1 thang, sắc 3 lần, uống 3 lần. 
Bài 4 (thuốc chườm): Lá ngải cứu (ngải  diệp) sao với đồng tiện, dùng miếng vải gói lại, chườm vào chỗ đau, thuốc nguội thì sao lại và chườm tiếp.
Thể phong hàn thấp
Triệu chứng: Đau âm ỉ 2 bên sườn, người lạnh, chân tay lạnh, khi ho, khi nấc thì đau tăng lên, khó cử động, chậm chạp, ưa nằm, lồng ngực có cảm giác đầy trướng, miệng đắng, ăn ngủ kém…
Nguyên tắc điều trị: Khu phong tán hàn, hành khí hoạt huyết, kết hợp an thần và bổ thần kinh.
Bài 1: Phòng phong 10g, kinh giới 12g, tang kí sinh 16g, phòng sâm 12g, hoàng kì 12g, nam tục đoạn 16g, ngải diệp 16g, trinh nữ 16g, thiên niên kiện 10g, ngũ gia bì 12g, quế 8g, tế tân 8g. Ngày 1 thang, sắc 3 lần, uống 3 lần.
Bài 2: Hồng hoa 6g, tô mộc 20g, kê huyết đằng 16g, uất kim 10g, hương phụ (chế) 12g, trần bì 10g, xuyên khung 10g, đương quy 12g, tần giao 10g, tục đoạn 12g, tang kí sinh 12g, cam thảo 10g. Ngày 1 thang, sắc 3 lần, uống 3 lần.
Bài 3: Đan sâm 12g, ngũ gia bì 12g, nam tục đoạn 16g, trinh nữ 16g, độc hoạt 12g, xuyên khung 12g, quế 10g, thiên niên kiện 10g, đương quy 12g, đỗ trọng 10g, kinh giới 12g, cẩu tích 10g, hắc táo nhân 16g. Ngày 1 thang, sắc 3 lần, uống 3 lần.
Bài 4 (ngâm rượu): Đương quy 30g, đỗ trọng 20g, tục đoạn 30g, ngũ gia bì 30g, xuyên khung 30g, đan sâm 30g, phòng sâm 30g, bạch linh 30g, thương truật 30g, bạch truật 30g, hắc táo nhân 30g, viễn chí 30g, cam thảo 30g, quế 15g, thiên niên kiện 15g, xương bồ 24g. Các vị thuốc thái nhỏ bỏ vào bình sành, đổ vào 3 lít rượu để ngâm. Thỉnh thoảng lắc bình. Sau 12 ngày là có thể dùng được. Ngày uống 50 – 60ml, chia 2 lần trước bữa ăn. Tác dụng: Khu phong tán hàn, thông hoạt kinh lạc, bồi bổ can thận, làm cho nguyên khí được vững bền, bệnh tà tự lui.
Lương y Trịnh Văn Sỹ
(Nguồn Suckhoedoisong)