Bệnh đái tháo đường: Những biểu hiện dễ phát hiện thường bị bỏ qua

Bệnh đái tháo đường: Những biểu hiện dễ phát hiện thường bị bỏ qua

PGS.TS Tạ Văn Bình, Giám đốc bệnh viện Nội tiết và Đái tháo đường Quốc gia cho biết, có tới 50% những người mới phát hiện bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) không biết mình mắc căn bệnh này. Đặc biệt, có nhiều triệu chứng bị bỏ qua nên khi bệnh nhân vào viện đã trong tình trạng nặng hoặc tử vong.

Nhiều nguy cơ có thể phòng tránh

Trao đổi với Báo GĐ&XH bên lề Hội nghị Tim mạch học can thiệp lần thứ 2 diễn ra từ ngày 7-8/10, PGS Bình cho biết, tại BV ông đã nhận nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng hôn mê, nhồi máu cơ tim –  những biến chứng từ chính bệnh ĐTĐ. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng quá nặng, và sau khi khám thì đã có triệu chứng bệnh từ 10 – 15 năm trước. Có nhiều biểu hiện bệnh bị bỏ qua do người dân thiếu hiểu biết về căn bệnh này.

Chị Phạm Thu Tùng, 45 tuổi, ở khu tập thể Đại học An ninh, Hà Đông, Hà Tây mắc bệnh ĐTĐ. Trong 3 tháng liền, chị Tùng sụt mất 2 kg. Ban đầu chị thấy hiện tượng mắt nhìn rất kém, nhất là vào buổi chiều, cứ như bị bệnh quáng gà. Lưng lại đau, các đầu ngón tay tê buồn, nhức mỏi. Vừa may cơ quan có đợt kiểm tra sức khoẻ cho cán bộ công nhân viên chức, chị Tùng được thông báo bị mắc ĐTĐ với lượng đường trong máu lên tới 10 mmol/l.  Chị thấy quá bất ngờ vì nghĩ mình không béo, không ăn nhiều đường, tại sao có thể bị mắc căn bệnh này. Chị Tùng đến Bệnh viện Nội tiết để làm lại các xét nghiệm. Kết luận vẫn như cũ.

Cũng theo PGS Bình, từ trước đến nay, nhiều quan niệm cho rằng chỉ cần dùng một loại thuốc với một phương pháp điều trị để kiểm soát lượng đường nhưng thực tế đã chứng minh: Phương pháp điều trị truyền thống này không đạt yêu cầu và không phù hợp. Ông Bình cũng cho biết, mô hình điều trị mới là điều trị theo sinh lý bệnh và cần điều trị phối hợp các loại thuốc sớm, mức độ liều lượng vừa phải, không quá cao ngay từ đầu.

“Bệnh nhân mắc ĐTĐ trong chế độ ăn phải tự cân nhắc lượng thực phẩm đưa vào cơ thể. Đối với việc sử dụng hoa quả, không cần phải kiêng cữ quá nghiêm ngặt mà bệnh nhân nên chọn loại hoa quả có lượng đường dưới 5%, hạn chế những loại hoa quả có lượng đường trên 20% như xoài, nhãn, vải… một tuần chỉ nên ăn từ 1 – 2 lần”.

Biến chứng nặng nề

ĐTĐ gây ra nhiều biến chứng trầm trọng như suy thận, cao huyết áp, bệnh tim, xơ vữa động mạch, khiếm thị vì thoái hóa võng mạc, mất cảm giác ngoại vi, rối loạn cương dương, nhiễm trùng bàn chân… Căn bệnh này có thể kiểm soát được bằng ăn uống hợp lý, giảm cân, vận động cơ thể, thuốc viên, thuốc chích insulin, hiểu biết căn bản về bệnh..

Các nhà chuyên môn khuyên rằng, 3 năm một lần, mọi người nên đi xét nghiệm tiểu đường. Cũng theo PGS Bình, những người tuổi ngoài 40, béo phì, trong gia đình có người đã bị đái tháo đường, phụ nữ có tiền sử sản khoa như thai to, chết lưu, sảy thai… nên khám thường xuyên từ 3 – 6 tháng/lần.

Ngoài những cơn hôn mê là biến chứng cấp, cái tai hại căn bản lâu dài của bệnh là do đường trong máu quá cao, tạo các hợp chất bám vào thành mạch máu ảnh hưởng tới sự tuần hoàn của nhiều phần trong cơ thể và làm hại dây thần kinh.

Bệnh tiểu đường là một yếu tố nguy cơ làm tăng sự xuất hiện và mức độ trầm trọng của các biến cố tim mạch (ở cả nam lẫn nữ): Tăng 1,8 lần nguy cơ bệnh mạch vành; 2,4 lần nguy cơ tai biến mạch não; 4,5 lần nguy cơ viêm tắc động mạch chi dưới. Theo thống kê, các biến chứng tim mạch này là nguyên nhân tử vong của 3/4 số bệnh nhân tiểu đường ngoài 40 tuổi.