Bệnh lúc giao mùa

Bệnh lúc giao mùa

Những cơn gió heo may và cái lạnh se se nhẹ nhàng lúc trời chuyển tối báo hiệu mùa nóng nực đã hết. Thời tiết khoảng giao mùa cũng giống như một cô gái mới lớn tuy đẹp nhưng tính nết đỏng đảnh thất thường. Vì vậy, ở giai đoạn chuyển tiếp này, một số bệnh tật dễ xuất hiện, nhất là với một số đối tượng như trẻ em, người già, người đang có các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tim mạch, hô hấp…

Các bệnh dị ứng

Một số các bệnh dị ứng thường xuất hiện nhiều hơn khi thời tiết chuyển lạnh đột ngột như bệnh viêm kết mạc, viêm mũi, họng dị ứng. Nguyên nhân là do sự kém thích nghi của cơ thể đối với sự thay đổi của nhiệt độ ở một số đối tượng như người già, trẻ em, người có tiền sử dị ứng thời tiết. Ngoài ra cũng có một số yếu tố kèm thêm như ô nhiễm không khí (mùa hè thường có mưa to nên không khí được rửa sạch hơn), sương mù và bụi hơi nước chứa nhiều chất bẩn có thể gây dị ứng. Một số loài hoa nở về mùa thu (như hoa sữa) cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh.

 

Các biểu hiện của bệnh bao gồm ngứa, chảy nước mắt, nước mũi, kết mạc mắt đỏ, ngứa, hắt hơi liên tục, ngạt mũi. Dị ứng khi giao mùa cũng có thể là nguyên nhân của các cơn hen phế quản gây nên triệu chứng khó thở, thở khò khè kèm theo tiếng rales rít hoặt rales ngáy khi nghe phổi. Một số trường hợp có khó thở dữ dội và có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Dị ứng ngoài da như nổi ban, sẩn ngứa… cũng hay gặp khi thời tiết lạnh.

Các bệnh do virut

Các bệnh do virus thường bùng phát khi thời tiết thay đổi. Nhiệt độ xuống thấp cộng với sự suy giảm của hệ miễn dịch tại các “cửa ngõ” của cơ thể như mũi họng, khí phế quản, kết mạc mắt, niêm mạc ruột… tạo điều kiện cho virut phát triển và gây bệnh. Các bệnh hay gặp là viêm mũi họng, viêm khí phế quản với các biểu hiện như sốt, ngạt mũi, nuốt đau, ho khạc đờm trắng,… Sốt do virut cũng hay gặp với triệu chứng sốt cao, đau đầu, đau mỏi toàn thân, tổn thương đa màng như tiêu chảy, chảy nước mắt nước mũi.
 
Sốt xuất huyết (Dengue xuất huyết) cũng hay gặp và phải được chú ý đến nếu bệnh nhân có triệu chứng sốt cao liên tục, đau đầu, nôn buồn nôn, xuất huyết dưới da, niêm mạc, gan to, huyết áp tụt, tiểu cầu giảm nặng, rối loạn đông máu, cô đặc máu,… Nếu bệnh nhân có sốt cao, nôn mửa, rối loạn ý thức, gáy cứng,… phải chú đến bênh viêm não, viêm màng não do virut (Flaviviruses, Henipaviruses). Tiêu chảy cấp do Rota virut cũng hay xảy ra ở trẻ em khi trời chuyển lạnh.

Đột quỵ não

Đột quỵ não bao gồm tắc mạch não hay nhũn não (nguyên nhân do huyết khối hoặc mảng xơ vữa của hệ thống động mạch) và xuất huyết não (nguyên nhân do tăng huyết áp là chủ yếu). Cần chú ý ngay đến đột quỵ não nếu người bệnh có đau đầu, nôn mửa; huyết áp tăng; biểu hiện hôn mê ở các mức độ khác nhau; liệt tay, chân, liệt các dây thần kinh sọ. Đối tượng hay gặp đột quỵ não là người già, tiền sử mắc bệnh tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, đái tháo đường, tăng mỡ máu, tiền sử hút thuốc lá hoặc nghiện rượu.

 

Các bệnh mạn tính

Thời tiết chuyển mùa là yếu tố thuận lợi cho một số các bệnh lý mạn tính nặng thêm hay bùng phát đợt cấp. Điển hình là các bệnh lý mạn tính đường hô hấp: viêm phế quản mạn, tâm phế mạn, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Các biểu hiện bao gồm ho, sốt, khó thở, ho khạc đờm nhiều. Đối tượng mắc thường là ở người già, tiền sử nghiện thuốc lá. Cơn tăng huyết áp có thể xảy ra ở người đang có bệnh tăng huyết áp nhưng đã được điều trị ổn định hoặc không. Nguyên nhân là do khi thời tiết thay đổi sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh giao cảm có vai trò kiểm soát hệ thống mạch, gây co mạch ngoại vi dẫn đến cơn tăng huyết áp. Khi cơn tăng huyết áp xảy ra sẽ làm tăng nguy cơ đột quị não, phù phổi cấp, bệnh lý mạch vành.

Người có các bệnh lý của hệ thống cơ xương khớp đặc biệt nhạy cảm khi thời tiết thay đổi. Đối với nhiều bệnh nhân có loại bệnh lý này, cơ thể họ giống như một cỗ máy “dự báo thời tiết” với các biểu hiện như mệt mỏi, đau mỏi các khớp hoặc gia tăng các triệu chứng sẵn có ngay từ trước khi thời tiết thay đổi một hai ngày hoặc thậm chí dài hơn. Nguyên nhân của hiện tượng này liên quan tới sự thay đổi của hệ thống miễn dịch với các phản ứng viêm tại các khớp và độ nhạy cảm của cơ thể thông qua hệ thống thần kinh của người bệnh khi thời tiết chuyển mùa.

Làm sao để phòng tránh?

Cơ thể con người có thể ví như một “tiểu vũ trụ” và có mối liên quan mật thiết cũng như chịu ảnh hưởng trực tiếp của môi trường khí hậu xung quanh trong đó có những ảnh hưởng tiêu cực khi thời tiết chuyển mùa. Vì vậy, để phòng tránh những bệnh lý hay gặp ở giai đoạn này, cần hết sức chú ý đến một số điều sau: giữ ấm khi ra ngoài trời lạnh; tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột như từ trong nhà ra bên ngoài (nhất là ở người già và trẻ em), người già nên đi tập thể dục muộn hơn khi trời đã ấm; ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, uống đủ nước, tránh uống nước lạnh; uống đầy đủ các thuốc điều trị hoặc dự phòng trong các bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính;… hạn chế uống rượu bia, bỏ thuốc lá chú ý tới các dấu hiệu tiền triệu của bệnh khi có thời tiết thay đổi để có biện pháp xử trí hoặc tới ngay cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi bởi các thầy thuốc chuyên khoa có kinh nghiệm.  

  Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Đức Định