Bệnh mất ngủ kinh niên
>> Cách điều trị mất ngủ đơn giản
Bệnh mất ngủ có phổ biến hay không?
Bệnh mất ngủ xảy ra rất thường xuyên ở mọi lứa tuổi. Những thống kê cho ta biết rằng có khoảng 1/3 chúng ta có triệu chứng giấc ngủ bị xáo trộn. Khoảng chừng 9% tới 15% người than phiền có triệu chứng buồn ngủ và mệt mỏi trong ngày vì thiếu ngủ.
Thống kê bệnh nhân đi khám bác sĩ gia đình cho thấy rằng có tới 50% bệnh nhân bị mất ngủ vì nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên số bệnh nhân khai bịnh mất ngủ là nguyên nhân chính chỉ có chừng 1%. Như thế người bệnh mất ngủ thì nhiều nhưng được trị liệu đúng mức thì hiếm hoi. Sở dĩ như thế là vì người ta coi thường triệu chứng mất ngủ và hiểu sai lầm rằng mất ngủ là chuyện bình thường ở xã hội hiện đại. Người ta không hiểu rằng mất ngủ kinh niên sẽ là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh khác sau này.
Thường gặp ở những lứa tuổi nào?
Nguyên do mất (thiếu) ngủ ở trẻ vị thành niên là do học hành căng thẳng, thức khuya vào mạng Internet để “chat” với bạn bè hoặc do lạm dụng xì ke ma túy hay rượu chè. Mất ngủ ở tuổi trung niên do căng thẳng trong sở làm, buồn phiền chuyện gia đình hay do bịnh tật và thuốc men gây ra. Phụ nữ ở thời kỳ mãn kinh thường hay mất ngủ. Cũng có người bị mất ngủ vào lúc trước khi có kinh, những người đó thường hay bị chứng Pre-menstrual Dysphoric disorder (cau có trước khi có kinh do xáo trộn estrogen). Mất ngủ ở người cao niên thường do cấu trúc giấc ngủ bị tuổi già thay đổi, bị đau nhức, bị trầm cảm và bị bệnh lẫn Alzheimer.
Phân loại bệnh mất ngủ như thế nào?
Bệnh mất ngủ được phân loại ra 3 nhóm: mất ngủ ngắn hạn (transient insomnia) xảy ra vài đêm trong tuần và sau đó bệnh nhân ngủ lại bình thường, mất ngủ từng chập (intermittent insomnia) cũng như mất ngủ ngắn hạn nhưng xảy ra từng hồi, và mất ngủ kinh niên (chronic insomnia) là triệu chứng mất ngủ xảy ra hầu như hàng đêm và kéo dài hơn một tháng.
Bệnh mất ngủ còn được phân loại thành bệnh mất ngủ chính (primary insomnia) và bệnh mất ngủ phụ (secondary insomnia) cũng được gọi là bệnh mất ngủ do bệnh khác gây ra.
Ngoài ra còn có những phân loại dựa trên thời gian mà triệu chứng mất ngủ xảy ra: mất ngủ đầu đêm (early insomnia), bệnh nhân không dỗ giấc ngủ được sau hơn 30 phút; mất ngủ giữa đêm (middle insomnia): bệnh nhân không giữ được giấc ngủ, ngủ không sâu, thường hay thức giấc nhiều chập trong đêm; mất ngủ trễ (late insomnia): bệnh nhân thức rất sớm và không ngủ trở lại được.
Hiện nay, các khoa học gia không dựa trên tổng số giờ ngủ để chẩn bệnh mất ngủ. Thí dụ như có người nào đó ngủ một đêm chỉ cần 4 tới 5 tiếng mà thức dậy cảm thấy đã ngủ đủ, nguyên ngày không mệt thì không mắc phải bệnh mất ngủ.
Cấu trúc của giấc ngủ như thế nào?
Muốn hiểu tại sao bệnh mất ngủ có tầm quan trọng ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, ta thử tìm hiểu cấu trúc của giấc ngủ (sleep architecture).
Giấc ngủ được chia làm 2 phần chính là giấc ngủ REM và giấc ngủ non-REM. REM viết tắt cho “Rapid Eyes Movements”. Giấc ngủ REM thường xảy ra khi ta mơ, lúc đó mắt người ngủ đảo qua đảo lại như thể họ đang theo dõi một diễn biến xảy ra trước mặt. Khi ta di vào giấc ngủ REM thì các bắp thịt tay chân bị tê liệt không nhúc nhích được. Sở dĩ thiên nhiên cấu tạo não bộ ta như thế là để bảo vệ giấc ngủ, không cho ta cử động khi nằm mơ thấy những cảnh bạo động. Hầu hết những giấc mơ và ác mộng xảy ra vào giai đoạn REM này. Giấc mơ giúp ta giải tỏa những căng thẳng tình cảm, cảm thấy thoải mái khi tỉnh ngủ. Khi ta mất ngủ kinh niên thì những ứ đọng của tình cảm căng thẳng sẽ dễ tạo ra những bịnh tâm thần như lo âu quá độ (generalized anxiety disorder) hay trầm cảm (major depression).
Giấc ngủ non-REM thì được chia làm 4 giai đoạn (stage). Giai đoạn 1 và 2 là giấc ngủ nông cạn không tạo được sự sảng khoái, đây là giai đoạn ta mới ngủ, tuy mắt nhắm nhưng ta còn nghe biết hoàn cảnh chung quanh. Khi đi vào giai đoạn 3 và 4 thì ta ngủ say hơn, nếu có ai gọi ta thức dậy vào giai đoạn này thì phải đợi một thời gian ta mới thức tỉnh hoàn toàn. Giai đoạn 3 và 4 hết sức cần thiết cho cơ thể tái tạo năng lực và điều hòa các chất nội tiết (hormones) trong cơ thể ta.
Cấu trúc bình thường của giấc ngủ là người ngủ từ từ đi vào giai đoạn 1 đến 4 của non-REM và sau đó kèm theo REM. Mỗi chu kỳ như vậy xảy ra độ 90 đến 110 phút và lập đi lập lại 4 đến 6 lần mỗi đêm. Khi gần sáng thì giấc ngủ non-REM giảm và REM tăng lên để chuẩn bị cho cơ thể hoạt động trong một ngày mới. Những gì làm xáo trộn chu kỳ giấc ngủ có thể gây ra bệnh mất ngủ.
Những xáo trộn của cấu trúc giấc ngủ
Trẻ vị thành niên mới lớn do kích thích tố mất quân bình thường hay có triệu chứng “ma đè”. Người ngủ nằm mơ thấy ác mộng, lúc thức dậy người không cựa quậy được nên rất sợ hãi tưởng như có ai đè nặng lên thân mình. Thật ra lúc đó các bắp thịt bị tê liệt do giấc ngủ REM tạo ra. Khi thức giấc quá nhanh thì bắp thịt chưa trở lại bình thường nên ta tưởng như có mà đè. Ngược lại, ở một số bệnh tâm thần lo âu (anxiety disorders) thì sự tê liệt đó đôi khi không xảy ra lúc bịnh nhân có ác mộng. Nhiều bịnh nhân trong lúc có ác mộng quơ tay đánh hay đạp người ngủ chung với mình. Một số người khác thì có mộng du. Mặc dù đang ngủ nhưng họ đi đứng, ăn uống như người đang thức. Những hành động đó họ hoàn toàn không nhớ khi tỉnh dậy. Trường hợp “ma đè” đa số tự nó hết, những trường hợp còn lại cần phải được chữa trị.
Sau đây là những yếu tố làm xáo trộn cấu trúc giấc ngủ. Nói về phần tinh thần thì lo âu là thủ phạm chính gây ra bịnh mất ngủ. Lo âu là danh từ chung dùng chỉ tất cả những buồn phiền, hờn giận, ham muốn, nhớ nhung, tiếc rẻ, … mà người mất ngủ ôn lại trong đầu, chớ không chỉ hạn chế ở tình cảm lo lắng. Những hóa chất như caffeine (trà, nước ngọt, cà phê), nicotine (hút thuốc vào đêm), rượu, thuốc uống trị bịnh (như các loại thuốc chống nghẹt mũi, thuốc giảm đau có chứa caffeine, …) đều có thể gây ra bịnh mất ngủ. Nhiều người uống rượu để tự trị bịnh mất ngủ. Thật ra, uống rượu nhiều làm xáo trộn cơ cấu giấc ngủ khiến người nghiện rượu không có giấc ngủ sâu (giai đoạn 3 và 4). Khi ta không đi vào giấc ngủ sâu được thì sự bực bội lo âu lại càng nhiều hơn, lâu ngày sẽ đưa đến các bệnh tâm thần như trầm cảm (depression).
Ảnh hưởng của bệnh mất ngủ
Bệnh mất ngủ kinh niên gây nhiều ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống xã hội và gia đình. Nghiên cứu cho thấy những người mất ngủ có đời sống bị giảm phẩm chất. Họ thường gây ra tai nạn xe cộ hay tai nạn trong sở làm vì phản ứng bị chậm lại và do thiếu sự chú ý. Tri thức người mất ngủ kinh niên lu mờ, họ mất khả năng chăm chú lâu và trí nhớ bị yếu kém. Vì thế khả năng học hành và làm việc của họ giảm rõ rệt. Những người này thường hay nghỉ làm và hiệu suất công việc bị giới hạn. Họ đi bác sĩ nhiều hơn, có nhiều triệu chứng đau nhức và khi bệnh thì lâu bình phục hơn vì cơ thể thiếu những chất giúp tế bào hồi phục, trong lúc độc tố thì nhiều hơn người bình thường. Nói về quan hệ gia đình, người mất ngủ thường hay căng thẳng, cau có, thiếu bình tĩnh, ít khi hài lòng, dễ lớn tiếng với người thân và con cái, tạo nhiều căng thẳng trong đời sống gia đình.
Những công trình nghiên cứu gần đây cho ta biết rằng bệnh mất ngủ thường đi đôi với những bệnh tâm thần lẫn thể xác. Trong 2 năm theo dõi bịnh nhân, các bác sĩ đã nhận thấy rằng những bệnh sau đây thường hay đi đôi với bịnh mất ngủ. Bệnh trầm cảm có khả năng odd ratio (OR) cao nhứt là 8.2, kế đó là bệnh suy tim (congestive heart disease) với OR là 2.5, bịnh loét bao tử (OR = 1.8) và bịnh tắc phổi kinh niên (COPD) với OR = 1.5. Ngoài ra, các khoa học gia tìm thấy rằng bệnh mất ngủ kinh niên làm thay đổi hệ thống miễn nhiễm. Trong 24 giờ, chất cortisol trong nước tiểu người bị mất ngủ kinh niên có tỷ lệ thuận với thời gian mất ngủ. Chất norepinephrine cũng tăng theo tỷ lệ thuận ở những người không đi vào giấc ngủ sâu được (giai đoạn 3 và 4). Những chất này ở liều lượng cao có thể gây ra nhiều bệnh tật. Thêm nữa, chất kích thích tố sinh trưởng (growth hormone) chỉ tìm thấy được ở thiểu số (3/15) những người bị mất ngủ kinh niên. Chất này cần thiết để giúp các tế bào phục hồi. Một nghiên cứu khác nữa cho thấy rằng chất Interleukin-6 và Tumor necrosis factor gia tăng làm cơ thể mệt mỏi và cũng có thể tạo ra nhiều đau nhức. Nói tóm lại mất ngủ kinh niên tạo ra nhiều độc tố trong cơ thể ta và làm giảm những chất giúp cơ thể hồi phục.
Giấc ngủ và não bộ
Dân gian khi nói đến ngủ thì người ta thường nghĩ đến con mắt. Khi buồn ngủ thì mí mắt nặng trĩu.
Thật sự, không phải mắt mà chính não bộ đóng vai trò rất quan trọng trong giấc ngủ. Trong não bộ ta có một nhóm tế bào thần kinh gọi là suprachiasmatic nucleus (SCN) điều khiển nhịp điệu của thức và ngủ, còn gọi là nhịp circadian (circadian rhythm). Nhịp thức ngủ này liên hệ đến cường độ ánh sáng bên ngoài, nó là một dạng đồng hồ sinh học. Khi trời sáng thì SCN tiết ra ít chất melatonin, khi chiều tối thì melatonin được tiết ra nhiều hơn. Chất này giúp ta đi vào giấc ngủ dễ dàng bằng cách giảm cyclic AMP (cAMP). Khi cAMP ít đi thì sự hoạt động cơ thể giảm xuống và chậm lại khiến ta ngủ dễ hơn. Khoảng 9 – 10 giờ tối là lúc melatonin tiết ra nhiều nhứt tạo nên sức tải tối đa của giấc ngủ (maximum sleep load). Nếu ta gượng lại giấc ngủ, làm công việc nào đó cho đến khuya, càng gần sáng thì sức tải giấc ngủ càng giảm và ta càng khó ngủ. Thức trễ một thời gian lâu, ta sẽ làm xáo trộn đồng hồ sinh học trong cơ thể và tạo ra bệnh mất ngủ.
Bác sỹ Thái Minh Trung
Số điên thoại tư vấn: 0976 957 908 / 043 995 3167 / 04 85 85 75 78