Bệnh sùi mào gà có sinh con được không?

Bệnh sùi mào gà có sinh con được không?

Câu hỏi: Tôi bị sùi mào gà, ngoài cửa mình có những hạt li ti, sau lớn lên thành chùm và hiện giờ lan ra rất nhiều, không đau nhưng ra huyết trắng và có mùi hôi. Tôi đã điều trị ở nhiều nơi nhưng chưa khỏi. Một số bác sĩ cho biết bệnh không thể chữa khỏi hẳn. Vậy tôi có thể lập gia đình và sinh con không? Xin bác sĩ cho tôi lời khuyên.

>> Phòng và trị bệnh sùi mào gà

>> 8 cách phòng bệnh lây truyền qua đường tình dục

Trả lời:

Những mô tả nói trên là triệu chứng của bệnh sùi mào gà, còn gọi là mụn cóc sinh dục. Bệnh do Papilloma virus (HPV) gây ra và là một trong những bệnh lây truyền theo đường tình dục. Có hơn 20 chủng HPV gây bệnh, với biểu hiện là những mụn cóc, hột cơm, u nhú hay tổn thương phẳng. Nhiều trường hợp lây nhiễm không gây tổn thương nhìn thấy được ở cơ quan sinh dục. Tổn thương xuất hiện sau khi bị nhiễm HPV từ 3 tuần đến 6 tháng. Ngay trong giai đoạn chưa thể hiện triệu chứng (cũng như đã có triệu chứng), sự lây nhiễm đã có thể xảy ra. Vì thế, cần mang bao cao su khi có quan hệ tình dục với bạn tình, nhất là khi không rõ lắm về đời tư của họ.

Một số tổn thương do HPV gây ra ở cổ tử cung có thể là nguy cơ cao dẫn đến ung thư cổ tử cung. HPV làm mọc một hoặc nhiều u nhú không cuống, không đau ở âm hộ, âm đạo, vùng cổ tử cung (có khi cả trực tràng, quanh hậu môn và bẹn). Ở điều kiện nóng, ẩm, các u nhú phát triển nhanh, có khi to và giống như hình cái súp lơ. Nếu các tổn thương u nhú bị nhiễm khuẩn, bệnh nhân sẽ ra khí hư có mùi hôi và ngứa.

Thương tổn có thể lan rộng và phá hủy mô, làm tắc đường sinh nở. Khi có thai, u nhú có xu hướng phát triển lớn hơn do nồng độ hoóc môn progesterone tăng. Nếu u nhú phát triển nhiều ở thành âm đạo, chỗ này sẽ trở nên kém chun giãn và gây khó khăn khi sinh.

Không có chống chỉ định lấy chồng hay có con ở người nhiễm HPV. Vấn đề chính là người bệnh cần được chẩn đoán sớm, điều trị đúng đắn và được theo dõi, giúp đỡ cả khi chưa có thai và khi chuyển dạ.

Điều trị: Theo chỉ định của bác sĩ.

– Bôi dung dịch Podophylline 10-15% lên mụn, sau 1-4 giờ rửa sạch để tránh bị bỏng hóa chất. Không bôi Podophylline lên tổn thương lúc có thai để tránh gây dị tật hoặc tử vong thai.

– Bôi kem 5-fluorouacil.

– Đốt điện lạnh, cắt bằng dao thường hay dao điện khi tổn thương lan rộng hoặc dùng chùm tia lazer.

Cần phải lấy hết các tổn thương (u nhú, mụn cóc) để đề phòng tái phát và thường xuyên đến bác sĩ kiểm tra.

BS Đào Xuân Dũng, Sức Khỏe & Đời Sống