Béo phì là gì?
Với đà phát triển tốt của nền kinh tế, ngày càng có nhiều người bị béo phì, đặc biệt ở thành thị, nơi mà con người ít vận động lại thường xuyên …tiệc tùng. Một người được gọi là béo phì khi có Chỉ số khối cơ thể (BMI) lớn hơn hoặc bằng 30. BMI được hiểu nôm na là so sánh cân nặng với chiều cao của một người, công thức tính BMI là tỷ số giữa cân nặng (tính bằng kilogram) và bình phương chiều cao (tính bằng mét). Chẳng hạn, một người cao 1,60 mét và nặng 64 kg thì BMI = 64/1,6 x 1,6 = 25.
Có sự liên quan giữa béo phì và gia tăng nguy cơ của nhiều bệnh như ung thư, tim mạch, nội tiết, khớp. Béo phì cũng có ảnh hưởng trên chức năng của hệ hô hấp như ảnh hưởng trên hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn (COPD), rối loạn liên quan với giấc ngủ.
Ảnh hưởng của béo phì trên chức năng sinh lý của phổi
Hệ hô hấp có một tính năng sinh lý tuyệt vời là Tính đàn, thường được đánh giá bằng Suất đàn. Có thể hiểu đơn giản suất đàn của hệ hô hấp là khả năng mà phổi và thành ngực giãn ra để tăng thể tích khi tăng một đơn vị áp suất trong đường dẫn khí. Ở người béo phì, suất đàn của toàn hệ thống hô hấp giảm đến một phần ba so với bình thường. Điều này có nghĩa là khả năng giãn ra của phổi và thành ngực khi cần thiết ở người béo phì bị giảm đi.
Khi bị béo phì quá nhiều sẽ làm cho các cơ hô hấp không đủ khả năng thực hiện vai trò của nó, đặc biệt là cơ hoành. Vì cơ hoành giữ vai trò quan trọng trong hô hấp, cho nên người béo phì nặng có thể bị hội chứng giảm thông khí do béo phì.
Để chống lại việc giảm suất đàn của toàn hệ thống hô hấp và yếu cơ hô hấp, người béo phì phải thở nhanh và nông mà chúng ta thường thấy biểu hiện là “thở hỗn hễn”.
Béo phì & Hen suyễn
Dù chưa được chứng minh một cách rõ ràng, ngày nay, đa số y văn trên thế giới đều thừa nhận rằng, rối loạn chức năng phổi ở người béo phì liên quan với sự gia tăng nguy cơ hen suyễn.
Về mặt lâm sàng, hen suyễn có biểu hiện là những đợt lặp đi lặp lại của các triệu chứng hô hấp như khò khè, khó thở, nặng ngực và ho. Các triệu chứng này xảy ra là hậu quá của tiến trình viêm mạn tính trong phế quản. Người béo phì cũng có “ái tính” cao với viêm. Ngoài ra, béo phì cũng có ảnh hưởng trên đáp ứng điều trị với hít corticosteroid. Một nghiên cứu lớn đã được thực hiệc để đánh giá đáp ứng với hít corticosteroid ở người béo phì bị hen suyễn thì thấy đáp ứng kém hơn so với người hen suyễn không bị béo phì. May mắn là với corticosteroid uống hay với các thuốc điều trị hen suyễn khác thì không có sự khác biệt giữa người bị béo phì và không bị béo phì.
Sự liên quan giữa béo phì và hen suyễn có tính nhân quả hay không? Câu trả lời vẫn đang còn bỏ ngỏ. Tuy nhiên, về mặt lâm sàng, các thầy thuốc hô hấp thường phải vất vả hơn trong chẩn đoán cũng như trong điều trị hen suyễn ở những người béo phì. Đầu tiên, triệu chứng khò khè được bệnh nhân hen suyễn báo cáo cũng không rõ ràng như người không bị béo phì. Kế tiếp, phương pháp đặc hiệu được sử dụng trong chẩn đoán hen suyễn cũng ít “nhạy” hơn ở người béo phì. Thứ ba, như trên đã nói, corticosteroid hít cũng ít hiệu quả hơn trong việc điều trị dự phòng hen suyễn ở người béo phì. Cuối cùng, người bị béo phì dễ bị các rối loạn như trào ngược dạ dày thực quản, rối loạn thở khi ngủ. Các rối loạn này có tác động không tốt trong việc chẩn đoán và điều trị hen suyễn.
Béo phì và COPD
COPD là một bệnh mạn tính, tiến triển liên tục, bao gồm hai thành phần là viêm phế quản mạn tính và khí phế thủng. Hai thành phần này không phải luôn dễ dàng phân biệt. Vì thế, với người trong “nhóm” bệnh này, đừng ngạc nhiên, đôi khi được bác sĩ A chẩn đoán là viêm phế quản mạn tính, thỉnh thoảng được bác sĩ B chẩn đoán là khí phế thủng. Thông thường, viêm phế quản mạn hay gặp ở người béo phì (hoặc dư cân), khí phế thủng hay gặp ở người “gầy gò”.
Cho đến nay, ảnh hưởng của béo phì đối với COPD chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ và hoàn thiện. Tuy nhiên, một số nghiên cứu được tiến hành ở Đan Mạch, Hàn Quốc cho thấy rằng béo phì có thể chống lại nguy cơ bị COPD hoặc “làm giảm” tỷ lệ tử vong ở những trường hợp COPD nặng. Các nghiên cứu này có số lượng bệnh nhân tương đối nhỏ cho nên tính thuyết phục không cao. Hiện tượng này, cũng giống với một số bệnh mạn tính khác, có thể gọi là “nghịch lý béo phì”. Dĩ nhiên, còn quá sớm để những bệnh nhân bị COPD “phấn đấu” trở thành người béo phì. Cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để hiểu rõ ràng hơn về ảnh hưởng của béo phì trên COPD và ngược lại.
Tóm lại, béo phì đi kèm với việc phải gia tăng thở lúc nghỉ ngơi cũng như lúc hoạt động. Béo phì có ảnh hưởng xấu trên hen suyễn, dù rằng liên quan nhân quả chưa được xác nhận. Béo phì làm giảm đáp ứng với hít corticosteroid ở người bị hen suyễn. Nghịch lý béo phì trên COPD thì còn quá sớm để kết luận.
BS. Nguyễn Hoàng Quân
Báo SK & ĐS