Bị đâm kim tiêm của bệnh nhân viêm gan B có nhiễm bệnh?

Bị đâm kim tiêm của bệnh nhân viêm gan B có nhiễm bệnh?

Hỏi: Em đang học lớp điều dưỡng. Trong lúc thực tập chích thuốc cho bệnh nhân viêm gan B (VGB) em lỡ bị cây kim đó đâm vào tay. Em đã chích ngừa VGB 3 mũi rồi và đang trong thời gian chờ nhắc lại mũi thứ 4. Em rất lo lắng không biết mình có bị lây hay không?

Phan Thị Kim Anh (Kiên Giang)

Email: kimanh516@yahoo.com

Trả lời:

Bạn bị mũi kim dính máu của bệnh nhân VGB chọc vào tay, như vậy bạn đã có nguy cơ nhiễm VGB. Vì viêm gan virut B là bệnh lây truyền theo đường máu, tức là nếu như chúng ta tiếp xúc không an toàn với máu của người bệnh VGB thì chúng ta có thể bị nhiễm. Tuy nhiên, bạn đừng nên lo lắng. Virut VGB phải nhiễm vào cơ thể với một tải lượng đủ lớn và cơ thể không đủ khả năng tiêu diệt thì bạn mới bị bệnh viêm gan virut B. Thêm vào đó, bạn đang được tiêm vaccin phòng VGB nên mặc dù có nguy cơ bị lây nhiễm nhưng lại rất ít có nguy cơ mắc bệnh thực sự. Chỉ cần sau mũi tiêm đầu tiên, bạn đã sản sinh kháng thể chống lại virut VGB. Các mũi tiêm về sau không có tác dụng tạo miễn dịch mới mà chỉ có tác dụng nhắc lại trí nhớ miễn dịch cho hệ thống phòng vệ của cơ thể và củng cố sức mạnh miễn dịch (tức là tạo ra đủ kháng thể) mà thôi.

Tuy nhiên, sau 2 tháng bạn nên xét nghiệm máu để kiểm tra xem có bị nhiễm hay không. Bao gồm: HBsAg (bằng chứng virut đang tồn tại), HBeAg (bằng chứng virut đang phân chia), HBV DNA (xác định mức độ virut trong máu).

Bạn không nên lo lắng quá. Chúc bạn học tốt!

BS. Nguyễn Trà My

Nguồn suckhoedoisong.vn