1. Cơn cường giáp cấp (cơn bão giáp trạng).
Đây là một cấp cứu nội khoa rất nặng, tỷ lệ tử vong cao. Thường xảy ra đột ngột ở bệnh nhân cường giáp không được chẩn đoán và điều trị kịp thời hoặc bệnh nhân đã được chẩn đoán cường giáp nhưng có những yếu tố nguy cơ sau:
– Stress tinh thần
– Sốt cao, nhiễm trùng
– Bỏ thuốc đột ngột.
– Phẫu thuật, chấn thương
– Phẫu thuật tuyến giáp khi chưa bình giáp.
– Điều trị Iode phóng xạ liều cao.
– Chọc hút tuyến giáp.
Tất cả đều có thể xuất hiện cơn nhiễm độc giáp cấp với biểu hiện lâm sàng rất rầm rộ:
– Rối loạn ý thức: ý thức u ám, vật vã, mê sảng, hôn mê.
– Sốt cao 39- 40- 410C, vã mồ hôi, mất nước.
– Nhịp tim > 150 lần trong một phút . Đôi khi có rối loạn nhịp, trụy mạch, suy tim cấp.
– Có thể phù phổi cấp.
– Nôn nhiều, ỉa lỏng.
– Suy thượng thận cấp, vàng da, suy thận cấp.
Xét nghiệm FT3, FT4 tăng rất cao. TSH giảm
2. Lồi mắt ác tính:
Lồi mắt nặng, tiến triển nhanh làm bệnh nhân có cảm giác nhức mắt, như có cát trong mắt, luôn chảy nước mắt, sợ ánh sáng, tăng áp lực nhãn cầu, phù mi mắt lan ra xung quanh, mắt đỏ kết mạc xung huyết, có thể liệt cơ vận nhãn, mắt nhắm không kín giác mạc bị khô → nhiễm trùng → loét → mù.
– Teo thuần kinh thị giác, viêm thần kinh thị giác → mù. Lồi mắt ác tính gặp 0,69%.
3. Biến chứng tim:
– Cơn nhịp nhanh: 10,08%.
– Bloc nhĩ thất: 14,08%
– Ngoại tâm thu thất: 7,05%
– Rung nhĩ: 45,07%
– Suy tim: 19,72%
– Cơn nhịp nhanh: thường là nhịp nhanh xoang, nhịp nhanh trên thất ít gặp.
– Rung nhĩ: là biến chứng thường gặp (45,07%) trong nhiễm độc giáp rung nhĩ do nhiễm độc giáp có đặc điểm:
. Lúc đầu chỉ là cơn kịch phát ngắn sau đó tái phát nhiều lần và trở thành thường xuyên.
. Rung nhĩ trong cường giáp có thể có huyết khối → gây tắc mạch.
. Rung nhĩ trong cường giáp kém đáp ứng với nhóm thuốc Digitalis và các nhóm thuốc khác.
– Suy tim (19,72%): Thường là suy tim toàn bộ và là suy tim tăng cung lượng, các triệu chứng suy tim thường ít điển hình trong giai đoạn đầu, khi suy tim toàn bộ thì triệu chứng lâm sàng giống như suy tim do các nguyên nhân khác. Một điểm khác đó là suy tim trong Basedow vẫn có biểu hiện hội chứng tim tăng động. Kết quả điều trị hạn chế nếu chỉ dùng Digitalis và lợi tiểu thông thường. Phải kết hợp điều trị Basedow cho tới khi bình giáp thì suy tim mới ổn định được.
– Suy vành: tăng cung lượng tim kéo dài dẫn tới tim phì đại đặc biệt là thất trái, công của tim tăng → nhu cầu ôxy cơ tim tăng. Tăng công của cơ tim sẽ làm dự trữ vành kém đặc biệt ở trường hợp cao tuổi hoặc vữa xơ mạch vành → hẹp lòng mạch → cơn đau thắt ngực, nhiều nghiên cứu cho thấy khi bệnh trở về bình giáp thì cơn đau ngực sẽ hết, nhồi máu cơ tim do Basedow hiếm gặp.