Biến chứng của loét dạ dày, tá tràng

Biến chứng của loét dạ dày, tá tràng

Tôi bị viêm loét dạ dày – tá tràng đã 4 năm nay. Tôi đã dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ nhưng bệnh hay tái phát, đau và khó chịu. Xin bác sĩ cho biết, bệnh của tôi có thể xảy ra những biến chứng gì? Phải điều trị thế nào?

       Trịnh Thị Tú Anh (Lai Châu)

>> Chữa viêm loét dạ dày tận gốc

>> Chế độ ăn trong viêm loét dạ dày

Đây là căn bệnh nhiều người mắc nhưng chưa được quan tâm đúng mức, nhiều người đến viện khi đã xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là quá muộn để cho kết quả điều trị tốt. Các biến chứng đó là: xuất huyết tiêu hoá: người bệnh đau bụng nhiều, nôn ra máu, đại tiện phân đen như nhựa đường; hẹp môn vị làm bệnh nhân nôn nhiều, không thể ăn được, ăn vào gây nôn và đau bụng, khiến cơ thể bị suy nhược; thủng dạ dày hoặc tá tràng: đột ngột người bệnh thấy đau bụng dữ đội, bụng căng cứng, nôn ra máu, nếu không cấp cứu kịp thời dễ bị tử vong; ung thư dạ dày: trong loét hành tá tràng thì không gây ung thư nhưng loét dạ dày là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến ung thư. Nhiều người đau dạ dày hàng 5-10 năm không điều trị triệt để, đến khi sức khỏe giảm sút nhiều đi khám thì đã thành ung thư.

Loét dạ dày – tá tràng là bệnh có thể điều trị khỏi bằng thuốc. Các thuốc điều trị như thuốc trung hoà axít trong dạ dày; thuốc giảm tiết axít; các thuốc kháng sinh  có tác dụng diệt Helicobacter pylori. Để phòng bệnh, mọi người cần có chế độ ăn uống hợp vệ sinh, không nên sử dụng quá nhiều các gia vị chua cay, không nên uống nhiều rượu, không để cho cơ thể trong tình trạng đói quá mới ăn, nên sử dụng thức ăn mềm, chín, dễ tiêu hoá. Khi có những dấu hiệu bệnh cần được đi thăm khám và điều trị sớm.

BS. Nguyễn Trường Sơn