Mycoplasma là một loại vi khuẩn gây nên nhiều bệnh như bệnh ở hệ hô hấp (viêm phổi), bệnh ở khớp (viêm bao khớp)…, trong đó Mycoplasma có khả năng gây bệnh lây qua đường sinh dục – tiết niệu, đặc biệt đây là loại vi khuẩn có khả năng kháng thuốc kháng sinh và dễ gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Gần đây, khi đi tiểu, chị Hoài (Thường Tín – Hà Nội) cảm thấy rất buốt và khi quan hệ vợ chồng thì đau không chịu nổi. Chị mơ hồ nghĩ mình mắc bệnh gì đó nhưng quan trọng hơn hết là chị không muốn chồng nghi ngờ vì đã có lúc sợ đau mà chị từ chối chồng. Chị quyết định đi khám phụ khoa và được bác sĩ cho biết bị viêm đường tiết niệu do vi khuẩn Mycoplasma. Trước đây người ta xếp vi khuẩn này vào họ trung gian giữa vi khuẩn và virut, nhưng những năm gần đây, người ta thấy chúng có nhiều đặc điểm sinh học giống với họ vi khuẩn cho nên chúng lại được xếp vào họ vi khuẩn. Đây là loại vi khuẩn hiện gây không ít khó khăn trong chẩn đoán và điều trị, nhất là ở các phòng xét nghiệm vi sinh y học chưa đủ điều kiện cần thiết.
Viêm mào tinh hoàn là một biến chứng do vi khuẩn Mycoplasma.
Vi khuẩn Mycoplasma gây viêm đường sinh dục – tiết niệu
Vi khuẩn Mycoplasma thường gây nên bệnh sau khi có quan hệ tình dục với người đã bị nhiễm hoặc mắc phải bệnh do Mycoplasma gây ra. Bệnh có thể diễn biến thành 2 giai đoạn: cấp tính và mạn tính. Giai đoạn cấp tính có đái dắt, đái buốt, đái mủ có màu trắng hoặc màu vàng. Kèm theo đái dắt, đái buốt là đau dọc theo niệu đạo. Đối với nữ giới, giai đoạn này bệnh thể hiện cũng rất kín đáo, không rầm rộ như nam giới, thông thường chỉ có đái dắt, đái buốt, đau vùng xương mu, ra khí hư mùi hôi, đau khi quan hệ tình dục. Vì các triệu chứng nghèo nàn nên nhiều chị em chủ quan và dễ bỏ qua giai đoạn này không đi khám, do đó bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính. Giai đoạn mạn tính ở nam giới thường có nóng rát niệu đạo, có khi đi tiểu khó, sáng sớm thường có chất nhầy như nhựa chuối chảy ra ở lỗ sáo trước khi đi tiểu lần đầu. Đối với nữ giới, triệu chứng bệnh mạn tính chủ yếu vẫn là ra khí hư, mùi hôi (nữ giới khó phân biệt giữa hai giai đoạn cấp tính và mạn tính). Để xác định vi khuẩn Mycoplasma người ta có thể thực hiện kỹ thuật sinh học phân tử PCR (Polymerase Chain Reaction). Kỹ thuật này rất chính xác nhưng không phải phòng xét nghiệm nào cũng tiến hành được vì đòi hỏi trang thiết bị, sinh phẩm, mồi sinh học và máy PCR trong khi đó giá thành hiện nay đối với các loại này không rẻ chút nào.
Biến chứng của bệnh
Nếu bị bệnh viêm đường sinh dục – tiết niệu do vi khuẩn này mà không dùng đúng kháng sinh hoặc vi khuẩn đã kháng lại kháng sinh thì rất có khả năng đưa đến một số biến chứng. Biến chứng hay gặp nhất của viêm sinh dục – tiết niệu bởi vi khuẩn Mycoplasma, ở nam giới là viêm tinh hoàn, mào tinh hoàn, ống dẫn tinh, viêm tuyến tiền liệt. Viêm mào tinh hoàn, tinh hoàn, ống dẫn tinh có thể để lại hậu quả vô sinh nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng phác đồ. Ở nữ giới, nếu không phát hiện, điều trị đúng, sớm cũng rất dễ gây viêm phần phụ như viêm cổ tử cung, viêm vòi trứng, buồng trứng, đồng thời góp phần đáng kể trong việc gây vô sinh. Một số bệnh nhân do ngại ngùng không đi khám ở những cơ sở y tế có đủ điều kiện và có kinh nghiệm mà tự tìm hiểu và tự điều trị hoặc điều trị ở những người không am hiểu về căn nguyên gây bệnh thì dễ để lại những hậu quả xấu như vừa nêu.
Vi khuẩn Mycoplasma.
Làm gì khi nghi bị viêm đường sinh dục – tiết niệu do Mycoplasma?
Sau khi sinh hoạt tình dục nếu thấy có những điều bất thường xảy ra dù ít nhiều cũng nên đi khám ngay ở cơ sở y tế có đủ điều kiện, có kinh nghiệm để được xác định và chọn kháng sinh thích hợp điều trị dứt điểm. Việc xác định căn nguyên gây viêm sinh dục – tiết niệu là rất khó khăn, rất dễ nhầm lẫn giữa các loại vi khuẩn có khả năng gây nên viêm sinh dục – tiết niệu. Đối với hội chứng lậu, người thầy thuốc có thể dễ nhầm lẫn vi khuẩn Mycoplasma với vi khuẩn lậu (trong khi đó việc điều trị tiêu diệt vi khuẩn lậu khác với điều trị tiêu diệt Mycoplasma). Vì vậy, khi đi khám bệnh không nên khám và điều trị ở những người không am hiểu về căn bệnh này sẽ dễ dàng đưa đến bệnh mạn tính và biến chứng. Cần lưu ý, khi đã bị bệnh mạn tính và có biến chứng thì điều trị gặp không ít khó khăn. Việc phòng bệnh viêm sinh dục – tiết niệu do vi khuẩn Mycoplasma cũng giống như phòng các bệnh lây qua đường tình dục khác như lậu, giang mai, HIV/AIDS, viêm gan B, C, sùi mào gà,… là dùng bao cao su đúng quy cách; không quan hệ tình dục với gái mại dâm. Tốt nhất là quan hệ chung thủy một vợ một chồng.
PGS.TS. Bùi Khắc Hậu