Chúng tôi sẽ trình bày từng biện pháp và giải đáp các thắc mắc, để các bạn cân nhắc và chọn biện pháp phù hợp nhất với mình. Xin lưu ý: Khi bàn về hiệu quả, chúng tôi dùng cách diễn đạt “hiệu quả 98%” hay “hiệu quả 60%”, có nghĩa là 100 người sử dụng trong một năm thì có 98 hoặc 60 người tránh thai thành công, số còn lại thất bại.
Trước tiên chúng tôi sẽ trình bày các biện pháp “hiệu quả”:
– Bao cao su (nam giới).
– Bao nữ giới.
– Vòng tránh thai.
– Thuốc uống tránh thai.
– Thuốc tiêm tránh thai.
– Thuốc diệt tinh trùng.
– Triệt sản.
Sau đó là các phương pháp “kém hiệu quả”:
– Kiêng giao hợp âm đạo.
– Xuất tinh ngoài âm đạo.
– Tính vòng kinh.
– Cho con bú.
Một lời khuyên nhỏ: Nếu còn chưa rõ về hệ sinh dục hai giới, về cơ chế thụ thai, bạn hãy đọc lại chương đầu, điều đó giúp bạn hiểu về các biện pháp tránh thai một cách dễ dàng.
- Các biện pháp tránh thai “hiệu quả”
Các biện pháp thuộc nhóm này được sử dụng rộng rãi do hiệu quả tránh thai cao. Và bạn cũng nên lưu ý rằng các biện pháp này chỉ thực sự hiệu quả nếu bạn sử dụng nó đúng cách, đúng lúc.
* Bao cao su
Bao cao su là túi nhỏ bằng chất liệu mỏng, mềm và nhạy cảm. Nếu người nam đeo bao khi sinh hoạt tình dục, bao sẽ giúp hai bạn không tiếp xúc với các dịch sinh dục của nhau, có hiệu ích cho nhiều cặp vợ chồng không hợp đặt vòng, không mua được thuốc uống. Bao cũng là cách tránh thai thuận tiện cho các cặp bạn trẻ, các cặp vợ chồng hay đi công tác ít khi gần gũi. Cũng có những cặp vợ chồng đứng tuổi đã dùng bao từ hai ba chục năm nay. Ngoài ra, bao cũng là biện pháp hỗ trợ cho người mới triệt sản…
Bao cao su giúp cánh mày râu được chủ động trong việc tránh thai, không phải phụ thuộc hoàn toàn vào phụ nữ. Điều này cũng khiến cho hai bên nam nữ thêm “đoàn kết” vì phái nữ thích phái nam nhận lấy chút trách nhiệm này.
So với các biện pháp “tránh thai” hiệu quả khác, bao cao su là “tự nhiên” nhất, không can thiệp vào hoạt động của cơ thể, không có tác dụng phụ. Nó lại còn giúp nhiều bạn nam “dai sức” hơn, thoả mãn người nữ nhiều hơn. Bạn gái thì được khô ráo, không bị chảy tinh dịch sau khi giao hợp. Ngoài ra, bao còn một ưu điểm vô cùng to lớn nữa: là công cụ đắc lực ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tình dục, trong đó có HIV.
Cách dùng: Bao tốt, đúng lúc, đeo đúng, tháo đúng
Bao tốt: Bao mới, chưa hết hạn, vỏ nguyên vẹn, không quăn queo, bao không rách, không giòn, màu không loang lổ. Không dùng lại. Không tuột bao ra trước khi đeo.
Đúng lúc: Bạn nam đeo bao khi dương vật cương, trước khi dương vật tiếp cận bộ phận sinh dục của bạn tình. Giao hợp xong, bạn rút dương vật khỏi người bạn tình khi còn cương.
Đeo đúng:
+ Đẩy bao về một phía, xé vỏ bao và lấy ra nhẹ nhàng, tránh làm rách bao
+ Bóp núm bao cho không khí ra ngoài. Đặt bao lên dương vật cương, vòng cuốn ra ngoài.
+ Vuốt tuột vòng cuốn ra để bao che toàn bộ dương vật cho đến tận gốc.
Tháo đúng:
+ Một tay nắm miệng bao, rút dương vật ra khi còn cương.
+ Tháo bao ra, vứt bao, tránh tràn tinh dịch ra ngoài.
+ Không để dương vật lại gần bộ phận sinh dục bạn tình nữa.
* Bao nữ giới
Loại này bắt đầu xuất hiện trên thị trường nhưng chưa được phổ biến ở Việt Nam. Bao được cho vào âm đạo trước khi giao hợp, giúp cặp bạn tình tránh tiếp xúc với dịch sinh dục của nhau. Bên trong bao có một vòng nhỏ di động, giúp bạn gái dễ cho bao vào âm đạo. Vòng lớn hơn ở bên ngoài giữ không cho bao tuột cả vào trong âm đạo, đồng thời che phủ âm hộ và trùm kín dương vật đến tận gốc khi giao hợp. Bao chỉ dùng một lần.
Nếu sử dụng đúng và thường xuyên, bao nữ sẽ có tác dụng tránh thai khoảng 95%. Ngoài ra, nó còn giúp tránh sự lây truyền bệnh qua đường tình dục, trong đó có cả HIV.
Bao có chất trơn rất ướt, thuận tiện cho sự di chuyển dương vật khi giao hợp, và cũng để có thể đặt vào âm đạo một cách dễ dàng. Tuy vậy, nếu chưa từng sử dụng, bạn nên thử tập trước. Bạn gái có thể đặt bao vào âm đạo ngay trước khi sinh hoạt tình dục hoặc từ vài tiếng trước đó. Cũng như với bao nam giới, người bạn tình có thể đặt bao vào âm đạo bạn nữ trong khúc dạo đầu ái ân.
Trong khi giao hợp, bao có thể xê dịch một chút, và một số người cho biết có tiếng kêu sột soạt nho nhỏ. Nếu thấy vậy, bạn đừng ngạc nhiên. Miễn vòng miệng bao ở bên ngoài phủ âm hộ là được.
Cách đặt bao:
+ Xé vỏ, lấy bao ra nhẹ nhàng. Vân vê nhẹ cho dịch trơn đẫm hết bao. Bóp hẹp hình vòng nhỏ, cầm bao chắc chắn.
+ Tay cầm bao đưa vào âm đạo, tay kia vạch môi sinh dục dẫn đường. Đưa bao vào sâu hết mức có thể đưa được.
+ Đưa ngón tay vào trong bao, tìm chạm vòng nhỏ, đẩy bao sâu lên đến hết âm đạo. Tránh đừng để bao bị xoắn.
+ Tháo bao: xoắn miệng bao để giữ tinh dịch ở trong, kéo nhẹ bao ra.
Ngoài bao của nam giới và bao của nữ giới còn có một số dụng cụ màng ngăn tránh thai dành cho nữ giới. So với bao, các loại này có nhược điểm là không phòng được các bệnh lây qua đường tình dục. Các nước phương Tây đã sử dụng mũ cổ tử cung và màng ngăn âm đạo, nhưng các loại đó không phổ biến ở nước ta vì giá thành cao, lại đòi hỏi đo đúng cỡ.
* Vòng tránh thai
Vòng tránh thai là một dụng cụ nhỏ bằng nhựa được đặt vào tử cung. Gọi là “vòng” vì mấy chục năm trước ta dùng loại có hình tròn như cái nhẫn chứ thực ra, vòng có nhiều loại như hình chữ S, chữ T… Hai loại thông dụng hiện nay là vòng hình chữ T và hình cánh cung, có quấn đồng. Đuôi vòng có hai dây nhỏ thò ra âm đạo độ 2-3 cm, giúp kiểm tra vòng còn ở đúng vị trí hay không.
Vòng tránh thai ngăn không cho trứng làm tổ ở niêm mạc tử cung, đồng thời cũng cản trở sự gặp gỡ giao duyên của trứng và tinh trùng. Biện pháp này đạt hiệu quả khoảng 98%.
Nhược điểm của biện pháp này là không phải ai cũng sử dụng được. Nếu không hợp, nó sẽ khiến bạn đau bụng, đau lưng hoặc ra máu kinh nhiều, thậm chí gây thiếu máu.
Một nhược điểm nữa là khi mang vòng, nếu bạn bị viêm nhiễm đường sinh dục thì viêm nhiễm có thể theo vòng lan lên trên, gây viêm phần phụ và có thể gây chửa ngoài tử cung. Vì vậy, trước khi đặt vòng, bạn cần được khám phụ khoa để nếu có viêm nhiễm thì chữa khỏi trước khi đặt vòng. Nếu trong thời gian mang vòng mà thấy có triệu trứng viêm nhiễm như dịch âm đạo vàng, xanh, ra nhiều, mùi hôi khó chịu, âm hộ ngứa ngáy, bạn hãy đi khám ngay để được chữa trị. Khi điều trị, cán bộ y tế có thể tạm tháo vòng, trong thời gian đó, bạn hãy sử dụng một biện pháp tránh thai khác.
– Hình như vòng của tôi nó rơi ra, làm thế nào bây giờ?
– Bạn hãy đến gặp cán bộ y tế yêu cầu xử lý. Đừng tự tay lấy vòng ra, làm vậy có thể gây tổn thương tử cung, cổ tử cung, âm đạo
– Nếu đặt vòng mà thấy đau bụng hay có vấn đề khác thì sao?
– Bạn hãy đi khám. Nếu vòng không đúng vị trí, cán bộ y tế sẽ đặt lại cho bạn. Nếu không thích, bạn có thể yêu cầu tháo vòng, nhưng phải sử dụng một biện pháp tránh thai khác ngay lập tức.
– Tôi chưa chồng mà đặt vòng thì có sao không?
– Cán bộ y tế thường không muốn đặt vòng cho người chưa có con vì viêm âm đạo là một bệnh khá phổ biến. Họ sợ bạn không may bị các vi khuẩn gây viêm lan lên ống dẫn trứng, có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này.
(Còn nữa – Biện pháp tránh thai phần 2)