Các loại thuốc uống điều trị đái tháo đường

Các loại thuốc uống điều trị đái tháo đường

Đái tháo đường là bệnh thường gặp nhất trong số các bệnh nội tiết và là một trong ba bệnh có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thế giới (ung thư, tim mạch, đái tháo đường). Nếu không điều trị và quản lý tốt, bệnh sẽ có nhiều biến chứng nguy hiểm, để lại hậu quả nặng nề cho bản thân người bệnh, gia đình và xã hội. Nhưng nếu được điều trị và tư vấn tốt, bệnh nhân có thể sống hoàn toàn khỏe mạnh. Bệnh có thể phòng được nhờ thay đổi hành vi, lối sống lành mạnh, luyện tập thể dục thể thao đều đặn.

 

Các thuốc uống điều trị đái tháo đường hiện nay gồm có:

Sulfamid hạ đường huyết: Cơ chế tác dụng: kích thích tế bào bêta của tụy tăng tiết insulin với điều kiện tế bào bêta còn lành. Vì thế nên thuốc này được chỉ định uống trước ăn 20 – 30 phút. Các thuốc thường dùng: sulfamid thế hệ 1 (carbutamid, tolbutamid ) hiện nay ít dùng, sulfamid thế hệ 2 (gliclazid, diamicron, glipizid, glibenclamid), sulfamid dùng một lần (amaryl, diamicron MR). Các thuốc này được chỉ định điều trị đái tháo đường týp 2. Không dùng trong các trường hợp đái tháo đường týp 1 hoặc người có suy gan, thận, có thai, bệnh nhân bị nhiễm trùng, có chỉ định phẫu thuật, đột quỵ, các tình trạng hôn mê do rối loạn chuyển hóa, bệnh lý cấp tính…

Biguanide: Cơ chế tác dụng của thuốc là làm tăng nhạy cảm với hormon insulin tại cơ quan đích, tăng sử dụng glucose ở tổ chức ngoại vi, đặc biệt ở tế bào cơ, giảm tạo glucose ở gan, giảm hấp thu glucose ở ruột. Tuy vậy, nhóm này không có tác dụng bài tiết insulin ở tụy. Có thể điều trị đơn độc hoặc phối hợp với sulfonylure. Trong nhóm này gồm các thuốc: metformin, siofor, glucophage… được chỉ định dùng điều trị đái tháo đường týp 2. Những trường hợp đái tháo đường týp 1 hoặc các trường hợp phẫu thuật, tình trạng nhiễm toan, có thai, suy gan, suy thận không dùng.

Thuốc được uống sau ăn. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng có thể có hiện tượng rối loạn tiêu hóa, đau bụng, nhiễm toan acid lactic. Các tác dụng này nói chung ít gặp và sẽ tự hết khi ngừng thuốc.

Nhóm ức chế men alpha – glucosidase: Nhóm này có tác dụng làm chậm hấp thu đường ở ruột non. Vì vậy, thuốc này được hướng dẫn uống ngay trong bữa ăn. Bao gồm: acarbose, voglibose. Thuốc được dùng điều trị đái tháo đường thể nhẹ cả týp 1 và týp 2. Không dùng thuốc này khi bệnh nhân mắc bệnh rối loạn hấp thu, phụ nữ có thai, cho con bú và trẻ em dưới 18 tuổi.

Nhóm thiazolidinediones: Cơ chế tác dụng: làm tăng nhạy cảm insulin tại cơ quan đích giống nhóm biguanide bao gồm các thuốc: rosiglitazone, pioglitazone… Chỉ định: được dùng phối hợp với các thuốc khác trong điều trị đái tháo đường týp 2. Không dùng cho bệnh nhân có thai và cho con bú, suy tim, suy gan, suy thận, phẫu thuật, nhiễm trùng nặng…

Nhóm meglitimide: Nhóm này có tác dụng kích thích tế bào bêta của tụy tăng sản xuất insulin. Thuốc được dùng là novonorm chỉ định trong điều trị đái tháo đường týp 2, uống trước khi ăn 15-30 phút. Tác dụng xuất hiện nhanh (30 phút sau khi uống thuốc) vì vậy không được uống thuốc nếu không ăn. Không dùng cho những trường hợp suy gan, thận, có thai, nhiễm trùng, phẫu thuật…

Việc điều trị bệnh đái tháo đường phụ thuộc nhiều vào sự tuân thủ điều trị bệnh của bệnh nhân. Chế độ dùng thuốc chỉ có hiệu quả nếu đi kèm chế độ ăn và luyện tập thể lực phù hợp.

(Theo Sức khỏe và đời sống)