Canxi là “chiếc gậy của người cao tuổi”?

Canxi là “chiếc gậy của người cao tuổi”?

Trước đây vì ngộ nhận dùng canxi sẽ cải thiện được bệnh loãng xương tuổi già, do đó cổ vũ việc tăng cường canxi cho người cao tuổi theo kiểu coi “canxi là chiếc gậy của người cao tuổi”. Quan niệm này nay không còn đúng nữa.

Canxi cho sức khỏe xương

Vitamin D dưới dạng hoạt tính kích thích ruột giúp cho quá trình hấp thu canxi và phospho từ thức ăn, đồng thời sẽ giữ cho tỉ lệ canxi/phosphor dạng hòa tan trong máu ở mức hằng định, giúp tạo ra canxiphosphat dạng không tan, bám vào khung xương, tạo ra mật độ chất khoáng xương (BMD= bone materical density).

Ngược lại, quá trình canxi dạng không tan ở xương tạo thành dạng hòa  tan chuyển vào máu để nồng độ canxi hòa tan trong máu ổn định đảm bảo cho các hoạt động khác hay thải ra ngoài gọi là sự mất canxi xương, làm  giảm BMD. Ví dụ: khi mang thai, nếu cung cấp canxi từ thức ăn không đủ thì cơ thể tự điều chỉnh bằng cách lấy canxi từ xương theo cách này để nuôi thai.   

 

Một bộ xương khỏe mạnh phải có mô hình tốt (không bị cong vẹo, xô lệch), có BMD tối ưu (chắc, dẻo dai, đủ sức nâng đỡ cơ thể, chịu được lực tác động bên ngoài, không dễ bị gãy). Theo đó, canxi là nguyên liệu không thể thiếu cho quá trình tạo xương, giữ BMD tối ưu, đảm bảo cho sức khỏe của xương.

Quá trình hủy xương cũ tạo ra xương mới diễn ra suốt đời; với vận tốc tùy độ  tuổi. Tuổi nhỏ, đang trưởng thành quá trình tạo xương cao hơn quá trình hủy xương; xương to lên, dài ra. Tuổi trưởng thành, tuổi trung niên, hai quá trình này cân bằng. Tuổi già, quá trình hủy xương cao hơn tạo xương; xương vẫn giữ thể tích cũ song BMD giảm.

Về tuổi già, do quá trình sinh lý  hủy xương cao hơn quá trình tạo xương nên có sự giảm BMD; khi BMD giảm đến ngưỡng nào đó thì coi là bị loãng xương.

Lúc già các yếu tố liên quan đến quá trình sinh lý hủy xương và tạo xương bị rối loạn dẫn đến loãng xương. Nếu chỉ  thuần túy tăng lượng canxi, vitamin lên cao thì một mình chúng cũng không đủ điều kiện làm làm đảo ngược được quá trình hủy xương tạo xương, chống lại được loãng xương.

Nghiên cứu Mỹ trên 36.000 người mãn kinh (50 – 70 tuổi) thấy: dùng mỗi ngày 1.000mg canxi và 400IU vitamin D có  làm tăng BMD chút ít so với nhóm chứng, song không giảm nguy cơ gãy xương. Theo đó, trong loãng xương tuổi già  dùng canxi  không có thêm lợi ích.

Mặt trái đáng lo

Dùng canxi liều cao hoặc dùng vitaminD làm tăng sự hấp thu canxi quá mức sẽ dẫn đến ngộ độc do tăng canxi máu. Ngộ độc này có triệu chứng yếu mệt, ngủ gà, đau đầu, chóng mặt, chán ăn, khô miệng, buồn nôn, nôn, táo bón, chuột rút ở bụng, ù tai, giảm trương lực cơ, đau cơ, đau xương, dễ bị kích thích; hoặc có một số triệu chứng hiếm gặp khác như giảm tình dục, rối loạn chức năng sinh dục, nhiễm canxi thận, rối loạn chức năng thận dẫn tới rối loạn tiểu, rối loạn nhịp tim, tăng canxi phosphor niệu, tăng albumin nitơ  huyết. Những triệu chứng này thường không rõ, một số lại giống với triệu chứng thiếu canxi, thiếu vitamin D, nếu không biết lại tăng cường dùng hai chất này sẽ làm nặng thêm. Với người  già, tăng canxi máu dẫn đến làm tích tụ canxi trong một số cơ quan tổ chức gây nhiễm canxi thận, sỏi thận  niệu quản, quan trọng nhất là gây ra bệnh tim mạch. Canxi trong thành mạch máu tăng là nguyên nhân quan trọng hình thành các “đốm dạng cháo”, xơ vữa động mạch, dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột  quỵ.

Các nhà khoa học Australia phân tích lại các dữ liệu của nghiên cứu  WHO, thống nhất kết luận về hiệu quả kém của canxi trong việc tăng BMD chống gãy xương như các nhà nghiên cứu Mỹ; đồng thời còn thấy thêm: “Dùng mỗi ngày 1.000mg canxi và 400IU vitamin D  làm tăng 31% nguy cơ nhồi máu cơ tim (số liệu rút ra từ 5 nghiên cứu trên 8.000 người); tăng 27% nhồi máu cơ tim (số liệu rút ra từ 11 nghiên cứu trên 12.000 người). Theo đó, trong loãng xương tuổi già dùng canxi là có hại.

Lời kết

Theo WHO, tình trạng thiếu canxi là phổ biến (đa số dân cư chỉ đạt  mức khoảng 500 – 600mg/ngày trên nhu cầu 800mg/ngày, đặc biệt là ở nữ do nuôi thai, nuôi con bú). Muốn có sức khỏe xương (bộ xương có BMD tối ưu, có độ cứng, độ dẻo dai cần thiết), phòng được loãng xương thì cần chủ động cung cấp đủ nhu cầu canxi ngay khi còn trẻ mà không đợi đến lúc già. Hội nghiên cứu xương, khoáng chất (Mỹ) tháng 9/2011 đã có kết luận: “Trong điều trị loãng xương tuổi già, dùng canxi không có lợi  mà có hại”.

Canxi, vitamin D cần thiết cho người cao tuổi để đảm bảo các mặt hoạt động khác chứ không phải chỉ để chữa loãng xương. Cần giữ cho người già đủ  canxi ở ngưỡng sinh lý cần thiết bằng chế độ ăn. Nếu chế độ ăn thiếu hoặc do bệnh tật (như bệnh đường ruột không hấp thu được) mà không đảm bảo đủ canxi ở ngưỡng sinh lý cần thiết  thì có thể bổ sung bằng thuốc nhưng không được bổ sung vượt quá ngưỡng sinh lý cần thiết này. Như vậy, không phải vì chữa loãng xương, nhưng  nếu vì lý do nào đó cần bổ sung thuốc chứa canxi, vitamin D cho người cao tuổi thì phải dùng một cách thận trọng (nên dùng loại có hàm lượng thấp) nhằm tránh xảy ra các tác dụng phụ đặc biệt là tác dụng phụ trên tim mạch. Theo quy ước, thực phẩm chức năng không dùng chữa bệnh, nếu có chứa hoạt chất có tính chữa bệnh thì phải có hàm lượng chỉ ở mức vừa phải để khi ăn với mức ăn bình thường sẽ cung cấp đủ liều cần bổ sung mà không quá liều, do đó thường không có hướng dẫn liều. Tuy nhiên, hiện cũng có loại thực phẩm chức năng không theo đúng quy ước trên, có chứa hoạt chất có tính chữa bệnh khá cao (ví dụ có loại hàm lượng canxi đến 500 – 1.000mg, vitamin D đến 400IU), nên nhà sản xuất có kèm theo hướng dẫn liều dùng. Hãy cẩn thận với cả loại thực phẩm chức năng có hoạt chất có tính chữa bệnh với hàm lượng khá cao này.

DS.CKII. BÙI VĂN UY