Chăm sóc bé bị tim bẩm sinh

Chăm sóc bé bị tim bẩm sinh

Bệnh tim bẩm sinh là các dị tật của tim có từ lúc bé còn trong bào thai. Các dị tật này có thể ở các vị trí sau : van tim (hẹp van, hở van, không có lỗ van); buồng tim (tim chỉ có một tâm nhĩ, hay một tâm thất, hay 3 buồng tâm nhĩ); vách ngăn tim hay các động mạch lớn gần tim.

>> Phẫu thuật điều trị các bệnh tim bẩm sinh

>> Tim bẩm sinh không tím, thái độ điều trị

Nguyên nhân bé bị tim bẩm sinh

Rất khó xác định nguyên nhân gây ra tim bẩm sinh. Một số ít bệnh tim bẩm sinh là do di truyền, phần lớn còn lại do sự tác động của nhiều yếu tố từ môi trường bên ngoài lên người mẹ lúc mang thai, đặc biệt là trong ba tháng đầu tiên như: bị cảm cúm, sốt phát ban, nhiễm trùng, bệnh tiểu đường, Lupus ban đỏ, uống rượu, uống thuốc bừa bãi, sống trong môi trường có nhiều tia X, tia phóng xạ, hóa chất độc hại. Ngoài ra, người mẹ trên 40 tuổi sinh con có tỷ lệ bị tim bẩm sinh cao hơn.

 

Các biến chứng thường gặp ở bé bị tim bẩm sinh

Tim bẩm sinh thường gây ra rất nhiều biến chứng như: suy tim, cao áp động mạch phổi, viêm phổi nặng tái phát nhiều lần và khó điều trị, nhiễm trùng máu và nội mạc tim, lười ăn còi cọc, xanh xao thiếu máu hoặc cô đặc máu gây tắc mạch máu não, áp-xe não và lên cơn tím tái. Các biến chứng này thường là nguyên nhân gây tử vong ở bé bị tim bẩm sinh.

 

Điều trị và chăm sóc bệnh nhi

Tất cả bé bị tim bẩm sinh vẫn phải tiêm chủng như mọi bé bình thường khác. Đối với những bé còn đang tuổi bú sữa, phải cẩn thận khi cho bú vì bé có thể mệt khi bú và dễ bị sặc sữa. Không được cho bé bú khi nằm, phải bế bé lên và để đầu bé cao khi bú. Nếu bé không bú được nhiều, nên cho bú nhiều lần hơn bình thường và mỗi lần bú số lượng sữa có thể giảm đi.

Đối với bé lớn đã ăn cơm, nếu bác sĩ chẩn đoán bé bị suy tim, gia đình nên cho bé ăn nhạt nhưng đủ chất (chỉ không nêm muối vào thức ăn và không chấm thêm nước mắm hoặc nước tương khi ăn). Nên cho bé ăn nhiều rau cải, hoa quả để tránh táo bón. Ngoài ra những bé lớn bị suy tim chỉ nên uống nước khi khát. Ngược lại những bé bị tim bẩm sinh tím, máu bị cô đặc nhiều, nên uống nhiều nước.

Bé đang độ tuổi đi học, vẫn có thể tiếp tục đến trường; nếu bé bị suy tim, cao áp phổi, gia đình cần kết hợp với nhà trường để xin cho bé miễn những hoạt động nặng cần phải gắng sức như chơi thể thao, lao động nặng. Khi bé đã bị suy tim nên cho bé nằm đầu cao khi ngủ.

Về thuốc men, không phải tất cả các bé bị tim bẩm sinh đều cần dùng thuốc, bác sĩ sẽ cho các loại thuốc khác nhau tùy theo loại tật tim và mức độ nặng nhẹ của tật. Có rất nhiều loại thuốc để điều trị tật tim bẩm sinh, các loại này nếu dùng không đúng chỉ định có thể có hại cho bé. Chính vì thế gia đình chỉ cho bé uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự động ngưng thuốc khiến bệnh sẽ nặng hơn, không tự động tăng hoặc giảm liều thuốc vì sẽ nguy hiểm cho bé. Trong khi dùng thuốc nếu bé xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào khác thường, gia đình nên báo ngay cho bác sĩ biết.

Bé bị tim bẩm sinh rất dễ bị viêm phổi, để tránh biến chứng này gia đình nên giữ bé ấm khi trời lạnh, không cho bé ở những nơi có nhiều khói bụi, không nên hút thuốc lá ở những chỗ bé ở. Nếu trong gia đình có người mắc các bệnh ho, cảm cúm thì nên tránh xa bé, không nên tiếp xúc với bé.

Ngoài ra, bé tim bẩm sinh cũng dễ bị nhiễm trùng vùng răng miệng, từ đó sẽ dẫn tới nhiễm trùng máu và nội mạc tim, rất nguy hiểm. Chính vì thế gia đình nên hướng dẫn bé cách đánh răng sau mỗi bữa ăn, khám bác sĩ nha khoa định kỳ mỗi 6 tháng. Nếu cần nhổ răng hay làm các thủ thuật, phẫu thuật có gây chảy máu phải báo cho bác sĩ biết bé bị tim bẩm sinh để được cho uống hoặc chích kháng sinh dự phòng trước và sau thủ thuật, phẫu thuật.

 

Tái khám và theo dõi bé bị tim bẩm sinh

Bé bị tim bẩm sinh nên tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ. Dù bé có bình thường cũng nên đi tái khám theo lịch hẹn để bác sĩ đánh giá diễn tiến của bệnh, phát hiện các biến chứng cũng như điều chỉnh lại liều lượng thuốc cho phù hợp với cân nặng tăng dần của bé.

Nên cho bé khám lại ngay nếu có bất kỳ triệu chứng nào khác thường như: sốt, ho, tiêu chảy, ói mửa, phù, tiểu ít, bỏ bú, quấy khóc, thở mệt, rên rỉ, lừ đừ hay bức rứt lên cơn tím tái, co giật, hôn mê.

 

Phòng tránh sinh con bị tim bẩm sinh

Giai đoạn chuẩn bị mang thai, người mẹ phải ở trong trạng thái sức khoẻ tốt nhất, tinh thần thật thoải mái, nên tiêm phòng các bệnh sởi, quai bị, Rubella, viêm gan siêu vi. Nếu có bệnh mãn tính như tiểu đường, lupus đỏ, phải điều trị thật ổn định và hỏi ý kiến bác sĩ khi muốn có con.

Giai đoạn mang thai, đặc biệt trong 3 tháng đầu phải giữ gìn sức khoẻ thật tốt, tránh để bị mắc các bệnh cảm cúm, bệnh nhiễm trùng, không hút thuốc lá, uống rượu, không tự uống thuốc bừa bãi (dùng thuốc phải hỏi ý kiến của bác sĩ), chọn môi trường sống trong lành.

Khám thai định kỳ để được theo dõi sức khoẻ của cả mẹ lẫn bào thai.