Chủ động giám sát chủng virut cúm mới S-OtrH3N2

Chủ động giám sát chủng virut cúm mới S-OtrH3N2

Thông tin về sự xuất hiện chủng virut cúm mới S-OtrH3N2 tại một số bang ở Hoa Kỳ có khả năng lây từ người sang người và đã kháng với một số loại thuốc điều trị cúm thông dụng đang gây nên mối lo ngại mới về y tế trên toàn cầu. Vậy chủng virut cúm mới này có gì khác biệt so với các chủng virut cúm đang lưu hành và chúng ta phải làm gì để tránh nhiễm cúm ngay trong mùa đông – xuân này?

>> Phát hiện nguyên nhân virus cúm A/H1N1 tăng tốc lây lan

>> Dễ cảm cúm khi giảm cân ngày đông

Viut cúm nhóm A biến đổi liên tục

Virut cúm thuộc nhóm orthomyxoviridae, chứa RNA có hình tròn đường kính 80-120nm, gồm 3 nhóm chính là A, B và C. Virut cúm nhóm B và C thường gây bệnh cảnh lâm sàng nhẹ và ít biến đổi. Còn nhóm A thì thường xuyên biến đổi tạo thành cấu trúc mới, một số chủng có thể gây bệnh rất nặng như virut cúm A/H5N1. Các type cúm A hay gây bệnh ở người là H1N1, H2N2 và H3N2. Năm 2009, xuất hiện chủng virut cúm A/H1N1/2009 và gây đại dịch cúm trên toàn cầu vào tháng 6/2009. Chủng virut cúm A/H1N1/2009 có thành phần từ sự tái tổ hợp của virut cúm trên người, trên gia cầm và trên lợn.

Từ năm 2009, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (USCDC) đã phát hiện 18 người nhiễm virut cúm A/H3N2 có nguồn gốc từ lợn. Trong đó có 10 trường hợp được phát hiện từ năm 2010 đến nay nhiễm chủng virut cúm mới S-OtrH3N2 (Swine – Origin Triple – Reassortment H3N2). Đây là chủng virut cúm mới tái tổ hợp từ virut cúm A/H1N1 đại dịch và cúm A/H3N2 có nguồn gốc từ lợn. Các bang của Hoa Kỳ ghi nhận bệnh nhân nhiễm virut cúm S-OtrH3N2 gồm Pennsylvania (3 trường hợp), Maine (2 trường hợp), Indiana (2 trường hợp) và Iowa (3 trường hợp).

Triệu chứng chính của các bệnh nhân là sốt, ho, đau họng, mệt mỏi, một số trường hợp có triệu chứng thở nông, tiêu chảy. Kết quả điều tra dịch tễ học của USCDC cho thấy, 7 trường hợp nhiễm virut cúm đầu tiên tại các bang Pennsylvania, Maine và Indiana có tiền sử tiếp xúc với lợn hoặc tiếp xúc gần với người có tiếp xúc với lợn. Tuy nhiên, 3 trường hợp nhiễm virut cúm mới S-OtrH3N2 tại bang Iowa (từ ngày 10-13/11/2011) lại không có tiền sử tiếp xúc với lợn; bệnh nhân thứ 2 và thứ 3 có tiếp xúc với bệnh nhân đầu tiên khi bệnh nhân này có biểu hiện triệu chứng cúm. Cả 3 trường hợp đều có bệnh cảnh cúm nhẹ và tự hồi phục. Hiện USCDC đang tiếp tục thực hiện các điều tra để có thể đưa ra kết luận chính xác về khả năng lây truyền từ người sang người của chủng virut cúm mới này.

Theo kết quả giám sát cúm của USCDC đến ngày 23/11/2011, không ghi nhận thêm trường hợp nhiễm cúm S-OtrH3N2. Virut cúm S-OtrH3N2 đã kháng với thuốc amantadine và rimantadine là hai loại thuốc chống virut được đánh giá là khá hữu hiệu để phòng và điều trị nhiễm virut cúm A, nhưng còn đáp ứng với thuốc oseltamivir và zanamivir. USCDC cũng đang nghiên cứu để tìm ra vaccin phòng chủng cúm S-OtrH3N2 trên người và khuyến cáo những người có biểu hiện triệu chứng cúm có tiền sử tiếp xúc với lợn nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm xác định.

 

Đề phòng nhiễm cúm trong mùa đông – xuân

Ngay khi nhận được thông tin về chủng virut cúm mới S-OtrH3N2 tại Hoa Kỳ, Cục Y tế dự phòng đã chỉ đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur tăng cường giám sát các chùm ca bệnh cúm tại cộng đồng, các trường hợp viêm phổi nặng và giám sát các trường hợp nghi nhiễm cúm tại các cửa khẩu quốc tế để sớm phát hiện trường hợp nhiễm cúm S-OtrH3N2 cũng như sự biến đổi của virut cúm nói chung tại nước ta. Hiện tại, theo báo cáo của hệ thống giám sát, nước ta chưa ghi nhận trường hợp nghi ngờ nhiễm cúm S-OtrH3N2, cũng như chưa phát hiện sự biến đổi của virut cúm. Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với WHO và USCDC theo dõi chặt chẽ diễn biến của virut cúm S-OtrH3N2 tại Hoa Kỳ.

Hiện nay, thời tiết lạnh tại các tỉnh khu vực miền Bắc là điều kiện thuận lợi cho các bệnh đường hô hấp phát triển, trong đó có bệnh do virut cúm gây ra. Đặc biệt trẻ nhỏ là đối tượng dễ cảm nhiễm khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Do đó, các bậc phụ huynh nên chú ý giữ ấm cho trẻ, ăn uống đủ chất dinh dưỡng và vệ sinh cho trẻ để phòng bệnh. Các trường hợp có biểu hiện triệu chứng cúm cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.  

TS.Trần Thanh Dương (Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế)