Viêm họng là bệnh hay gặp ở nhiều lứa tuổi. Bệnh điều trị khó dứt và có thể gây biến chứng thấp tim, viêm khớp, viêm thận…
Nguyên nhân: Viêm họng có rất nhiều nguyên nhân, phần lớn do virus (80%) như adenovirus, rhinovirus, virus hợp bào đường thở, virus cúm, virus sởi… còn 20% do các vi khuẩn. Đó là các loại liên cầu, tụ cầu, phế cầu, H.Influenzae… Nguy hiểm hơn cả là liên cầu khuẩn tan huyết b nhóm A vì nó là thủ phạm gây nên biến chứng viêm họng gây thấp tim, viêm khớp, viêm thận – những bệnh khá nguy hiểm.
Ngoài các nguyên nhân đó phải kể đến các yếu tố nguy cơ như thay đổi thời tiết, lạnh quá, ẩm quá, bụi, khói thuốc, rượu, hóa chất…
Phân loại. Viêm họng có thể chia làm hai loại lớn: viêm họng cấp tính và viêm họng mạn tính.
Viêm họng cấp tính: có hai thể là viêm họng đỏ và viêm họng trắng.
Viêm họng đỏ cấp tính:
Biểu hiện: sốt, mệt mỏi, thường sốt đột ngột 39-40 độ C, đau mình mẩy, kém ăn, trẻ em quấy khóc. Nếu do nhiễm khuẩn thì các biểu hiện nhiễm khuẩn khá rõ rệt như môi khô, lưỡi bẩn, mạch nhanh, bộ mặt bơ phờ mệt mỏi.
Người bệnh thấy đau họng, rát họng khi uống nước hoặc nuốt nước bọt, nhưng với các chất rắn nuốt ít đau hơn, bệnh nhân khó nuốt, rát họng. Ho là dấu hiệu thứ hai hay gặp hơn cả, có thể ho từng cơn, ho có đờm, nhầy, lúc đầu trắng sau đặc vàng có mùi hôi, thay đổi tiếng nói. Cụ thể: giọng không được trong, hơi khàn, có khi khàn hẳn. Khám trong họng thấy toàn bộ niêm mạc họng đỏ rực, amidan sưng to, đỏ. Khám ngoài có thể thấy hạch ở góc hàm sưng đau.
Viêm họng trắng cấp tính: Phần lớn là viêm họng bạch hầu và viêm họng vincent. Triệu chứng toàn thân thường có bộ mặt nhiễm độc, nhiễm trùng, sốt không cao nhưng biểu hiện nhiễm độc khá rõ rệt: mặt xanh tái, mệt mỏi, bơ phờ, đái ít…
Biểu hiện: Nuốt đau, nuốt vướng, ho vừa có đờm, tiếng có thể thay đổi. Khám thực thể sẽ thấy họng, đặc biệt trên mặt amidan có giả mạc màu trắng bám chắc vào amidan.
Còn với viêm họng vincent thường gặp ở người lớn tuổi hoặc người già, giả mạc thường mỏng, dễ bong, khi bóc giả mạc phía dưới là một lớp loét nông.
Ngoài ra, viêm họng trắng thường có hạch ở vùng cổ.
Viêm họng mạn tính: là một bệnh rất phổ biến ở mọi lứa tuổi. Nguyên nhân chủ yếu lại là các yếu tố nội tạng, ngoại lai như rượu, thuốc lá, hơi độc, khói, bụi.
Các triệu chứng lâm sàng thường ít, không ảnh hưởng đến toàn thân, không sốt, người chỉ hay mệt mỏi. Dấu hiệu cơ năng quan trọng nhất là rát họng, nuốt vướng, đặc biệt dấu hiệu ho từng cơn hoặc liên tục, ho nhiều, ho khan có thể có ít đờm làm bệnh nhân rất khó chịu phải khạc nhổ suốt ngày.
Khám thực thể không phát hiện gì đặc biệt, chỉ có thể thấy tình trạng trong họng niêm mạc sung huyết đỏ, xuất tiết như nước cháo, nước hồ dính ở thành sau họng, hoặc các tổ chức lympho phát triển mạnh ở thành sau họng người ta hay gọi là viêm họng quá phát hoặc viên họng hạt.
Loại viêm họng ít gặp hơn cả niêm mạc họng teo, khô, có thể có ít vẩy ở thành sau họng.
Những biến chứng
Biến chứng tại chỗ như gây nên áp xe, hoặc viêm tấy quanh họng, viêm tấy quanh amidan, ở trẻ nhỏ có thể gây áp xe thành sau họng.
Những biến chứng gần có thể gây ra viêm mũi, viêm xoang, đặc biệt ở trẻ em là viêm tai giữa (trẻ nghe kém, chảy nước tai, ù tai…), biến chứng này hay gặp hơn cả, nhiều khi không phát hiện được, nhất là viêm tai giữa ứ dịch không thủng màng nhĩ.
Ngoài ra, viêm họng còn lan xuống thanh quản gây viêm thanh quản hoặc viêm thanh, khí, phế quản, viêm phế quản hoặc viêm phổi.
Những biến chứng xa gây viêm cầu thận, viêm khớp, viêm màng ngoài tim…
Điều trị:
Nếu viêm họng cấp tính do virus không cần dùng kháng sinh, chỉ cần các thuốc hạ nhiệt như efferangan, paracetamol, aspegic… chỉ dùng khi nhiệt độ lớn hơn 38 độ C. Các thuốc giảm ho như: siro phenergan, ho bổ phế, theralen…
Với viêm họng do vi khuẩn cần phải dùng kháng sinh dựa vào kháng sinh đồ dùng kháng sinh từ 5-7 ngày.
Đặc biệt với viêm họng bạch hầu nhất thiết phải chuyển vào các khoa truyền nhiễm để điều trị, không điều trị tại nhà. Ngoài việc dùng kháng sinh đúng liều đồng thời phải dùng giải độc tố để tránh biến chứng tim, thận.
Các thuốc tại chỗ có thể dùng xông họng, khí dung bằng các loại kháng sinh, kháng viêm. Ngoài ra người ta có thể chấm họng bằng các loại thuốc như glyxerin borat.
Với viêm họng mạn tính, ngoài việc súc họng bằng các dung dịch kiềm để đảm bảo độ pH họng, người ta có thể can thiệp bằng cách đốt hạt bằng muối bạc (NO3Ag), bằng axit chromic, đốt điện, đốt bằng lazer CO2 hoặc bằng ni-tơ bạc. Tuy nhiên việc đốt cần thận trọng vì chỉ được đốt hạt, không được gây tổn thương niêm mạc họng.
Cuối cùng các biện pháp phòng bệnh cần chú ý là giữ ấm cổ ngực, lòng bàn chân trong mùa lạnh, vệ sinh răng miệng, tránh rượu, thuốc lá, khói bụi, bồi dưỡng sức khỏe, tập thở hằng ngày và chế độ ăn thích hợp.
(Theo Sức khoẻ & Đời sống)