Hỏi: Con tôi 10 tuổi, mấy ngày nay thấy cháu uể oải, khó chịu và sốt nhẹ (khoảng 38oC). Lác đác xuất hiện sẩn đỏ trên da, vài giờ sau nốt sẩn đó thành nốt phỏng có dịch trong. Như vậy có phải cháu bị thủy đậu không? Có phải dùng thuốc kháng sinh không? Người nói kiêng nước, người nói phải tắm nước lá phỏng rạ mới nhanh khỏi. Xin quý báo tư vấn.
Lê Thị Lụa (Thanh Hóa)
Trả lời: Phỏng rạ là từ dân gian hay dùng để chỉ bệnh thủy đậu. Bệnh hay gặp ở trẻ em, người lớn cũng gặp nhưng hiếm hơn. Đây là một bệnh lây và gây dịch do một virut có ái tính với da, niêm mạc và hệ thần kinh gây nên nốt phỏng trên da, đôi khi cả trong niêm mạc miệng. Khi phát bệnh, thường bệnh nhi thấy bứt rứt khó chịu, hâm hấp sốt rồi trên da xuất hiện những nốt đỏ, vài giờ sau thành nốt phỏng có dịch trong, sau 24 giờ ngả màu vàng (đục), xung quanh tấy đỏ. Sau vài ngày phỏng nước xẹp, khô dần rồi đóng vảy. Các nốt phỏng thường mọc lung tung từ đầu đến chân, có thể ít, có thể mọc dày chi chít, mọc thành một lớp không đồng đều. Đặc điểm là ngứa nên trẻ gãi dễ làm vỡ nốt phỏng. Do vậy điều cơ bản là phải giữ vệ sinh da và niêm mạc, chống ngứa bằng kháng histamin, tại nốt phỏng chấm thuốc sát khuẩn xanh metylen. Thông thường bệnh nhẹ không cần dùng kháng sinh và khi khỏi không để lại sẹo. Trừ trường hợp có biến chứng nặng phải đưa đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị. Hiện nay có vaccin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ. Tuổi tiêm vaccin thủy đậu từ năm thứ 2. Với trẻ đã bị bệnh thì đã tạo kháng thể cho bản thân nên không phải tiêm. Chú ý khi trẻ bị bệnh phải tắm rửa vệ sinh thân thể hằng ngày để trẻ bớt ngứa vì ngứa gãi sẽ gây vỡ nốt phỏng dễ nhiễm khuẩn. Tắm nước lá theo kinh nghiệm dân gian kết hợp bôi thuốc như trên sẽ giúp bệnh nhanh khỏi.
BS. Trần Thị Hạnh