Đinh râu là một loại nhọt độc, rất độc, có thể gây tử vong khi không được điều trị kịp thời.
Bác sĩ Trần Danh Tài – Chủ tịch Hội Đông y Lâm Đồng, cho biết: Đinh râu thường xuất hiện ở vùng miệng (môi, mép, cằm) và mũi (kể cả trong lỗ mũi). Bà con thường có kinh nghiệm để “khoanh vùng” khu vực dễ bị đinh râu bằng cách dùng bàn tay úp lên vùng miệng, theo chiều dọc, vị trí nào nằm trong lòng bàn tay đều là vị trí dễ bị đinh râu. Tất nhiên cách khoanh vùng này chỉ mang tính tương đối, nhưng dù sao cũng được coi là “vùng cấm” không được đụng vào khi bị mụn nhọt, kể cả mụn trứng cá. Tại vùng này có một hệ thống tĩnh mạch đi vào tĩnh mạch nền của não bộ. Khi vi khuẩn từ các mụn nhọt ở đây lọt vào hệ thống tĩnh mạch sẽ gây ra tình trạng nhiễm trùng máu – một loại nhiễm trùng toàn thân, nếu không điều trị kịp thời và đúng cách thì rất dễ tử vong, ngay cả khi được điều trị tích cực thì tỷ lệ tử vong cũng cao.
Nguyên nhân gây nên đinh râu thường xuất phát từ những việc như nặn mụn trứng cá, mụn nhọt, nhổ râu, cạo râu bị chảy máu, xăm môi, ngoáy mũi bằng tay (nhất là khi để móng tay dài, sắc) gây nhiễm trùng. Bệnh tiểu đường cũng là một nguyên nhân tiềm ẩn làm cho đinh râu dễ xuất hiện. Để phòng bệnh, cần lưu ý một số việc sau: Tuyệt đối không được dùng tay (nhất là tay bẩn) để nặn các loại mụn ở khu vực quanh miệng, mũi. Nếu có mụn nhọt chỉ nên dùng thuốc sát trùng (cồn 90 độ hay cồn Idole đậm đặc) chấm lên mụn chờ khi mụn “chín” thì nhờ cán bộ y tế can thiệp.
Theo Thanh Niên