>>Dấu hiệu nhận biết bệnh gout
>>Bệnh gout và chế độ ăn
1. Tổng quan
Gout là bệnh do rối loạn chuyển hóa acid uric dẫn đến nồng độ acid uric máu tăng cao khi đạt đến ngưỡng bão hòa gây lắng đọng các tinh thể urat tại các mô khớp và các mô khác trong cơ thể. Bệnh thường gặp nam giới tuổi trung niên trên 30 hoặc 35 tuổi. Bệnh gout diễn biến theo các giai đoạn:
– Giai đoạn 1: Acid uric tăng cao trong máu cao (thường chưa xuất hiện các triệu chứng)
– Giai đoạn 2: Viêm khớp cấp tính
Các tinh thể acid uric bắt đầu lắng đọng tại khớp, thường là 1 khớp (phổ biến nhất là ngón chân cái) và gây sưng đột ngột. Cơn gout cấp chỉ diễn ra trong khoảng vài ngày và tự khỏi.
– Giai đoạn 3: Tái phát cơn gout cấp
Các cơn gout cấp thường tái phát. Thời gian tái phát phụ thuộc tình trạng bệnh.
– Giai đoạn 4: Gout mãn tính
Bệnh nhân gout không điều trị, bệnh trở thành mãn tính và gặp nhiều khớp hơn. Các cơn đau liên tục và thường bị nhầm với các dạng viêm khớp khác, nhất là viêm xương khớp. Đồng thời, các tinh thể urat lắng đọng ở các khớp và mô, dẫn đến hình thành hạt tophi dưới da.
2. Nguyên nhân
Gout không lây qua đường ăn uống hay đường máu. Có 2 nhóm nguyên nhân gây bệnh: nguyên phát và thứ phát.
a) Gout nguyên phát
– Gen: Bố mẹ mắc bệnh gout, con cái tăng 20% nguy cơ bệnh gout.
– Người dân Anh và Mỹ da đen có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn
– 95 % bệnh nhân gout là nam giới, thường gặp tuổi trung niên trên 30 hoặc 35 tuổi. Nữ giới ít mắc bệnh gout (5%), thường là sau tuổi mãn kinh mới xuất hiện.
b) Gout thứ phát
– Do chế độ ăn uống không hợp lý: Bệnh nhân ăn nhiều thịt đỏ (thịt bò, thịt bê…), hải sản, nội tạng động vật và uống nhiều rượu bia…
– Dùng thuốc gây giảm đào thải acid uric qua thận: Thuốc lợi tiểu, thuốc điều trị lao (PZA, etham), nhóm salicylat, nhóm corticoid và gây độc tế bào, thuốc levodopa, acid nicotinic.
– Một số bệnh làm tăng nguy cơ acid uric máu cao: suy thận, ngộ độc chì, bệnh vẩy nến, suy giáp hoặc cường giáp, đái đường, hội chứng down…
c) Nguyên nhân gây tái phát cơn gout cấp
Cơn gout cấp không chỉ xảy ra khi mức acid uric tăng cao mà còn khi thay đổi nồng độ acid uric một cách đột ngột do một số nguyên nhân sau:
– Ăn nhiều thịt đỏ, uống rượu bia
– Tổn thương về tâm lý và tình cảm
– Đói và mất nước
– Sốc thuốc do tiêm tĩnh mạch
– Uống thuốc điều trị bệnh khác, gây tác dụng không mong muốn giảm đào thải acid uric niệu
– Uống thuốc giảm acid uric trong máu: Allopurinol, probenecid…
– Các yếu tố khác
3. Triệu chứng
– Triệu chứng đầu tiên của viêm khớp do gout thường là sưng, nóng, đỏ các khớp một cách đột ngột. Khớp thường bị nhất là khớp bàn-ngón ở ngón chân cái. Viêm khớp cấp do gout tại khớp bàn-ngón ở ngón chân cái được gọi là bệnh podagra (bệnh gout chân).
– Ngay cả nếu không được điều trị, cơn đau đầu tiên có thể tự hết trong vòng 1 đến 2 tuần. Các triệu chứng đau và sưng có thể khỏi hoàn toàn nhưng viêm khớp do gout lại thường hay tái phát ở cùng một khớp hay trên một khớp khác.
– Sau một thời gian, các đợt viêm xuất hiện thường xuyên hơn, kéo dài hơn và xảy ra ở nhiều khớp hơn…
– Tinh thể urat lắng đọng tại thận gây sỏi thận
– Tinh thể urat có thể lắng đọng ở ổ khớp tạo thành hạt tophi…
4. Chuẩn đoán bệnh gout
– Các xét nghiệm chuẩn đoán
+ Xét nghiệm tìm tinh thể muối urat: Soi dưới kính hiển vi để xác định tinh thể urat trong dịch khớp hay trong hạt tophi.
+ Xét nghiệm máu: Kiểm tra chỉ số acid uric trong máu
+Chụp X-quang
– Tiêu chuẩn: (Wallace, Robinson năm 1997):
+ Có các tinh thể urat trong dịch khớp.
Trong hạt tophi có chứa tinh thể urat phát hiện bằng phản ứng hóa học, hoặc soi bằng kính hiển vi phân cực.
+ Có 6 trong số 12 dấu hiệu lâm sàng, xét nghiệm hoặc X-quang sau:
• Có trên 1 đợt viêm khớp cấp tính.
• Viêm đạt đến mức tối đa trong vòng một ngày.
• Viêm 1 khớp.
• Khớp đỏ.
• Đau hoặc sưng đốt bàn –ngón một bàn chân.
• Tổn thương viêm ở đốt bàn-ngón chân một bên.
• Tổn thương viêm khớp cổ bàn chân một bên.
• Có hạt tophi.
• Tăng acid uric.
• Sưng khớp không đối xứng (chụp X-quang ).
• Có những kén dưới vỏ xương, không có khuyết xương (X-quang).
• Nuôi cấy vi khuẩn dịch khớp có kết quả âm tính trong đợt viêm khớp.
5. Điều trị gout
– Điều trị gout cấp
+Thuốc chống viêm NSAIDS: indomethacin, ibuprofen, naproxen, celecoxib, natri diclofenac… Chú ý không dùng aspirin cho trường hợp này.
+Colchicine: Giảm đau cơn gout cấp và ngăn ngừa tái phát các cơn gout cấp.
+Corticosteroid và ACTH được xem là những thuốc có hiệu quả điều trị cơn gút cấp vì hoạt tính chống viêm của thuốc. Do có một số tác dụng phụ, các thuốc này được dành để điều trị cơn gút cấp kháng thuốc.
– Giảm acid uric máu: Mục tiêu điều trị là giữ mức acid uric ở khoảng 5-6 mg/dL, tránh tái phát gout cấp
+ Allopurinol: ngăn chặn xanthine oxidase và làm giảm sản xuất Acid Uric.
+ Sulfinpyrazone: Sulfinpyrazone là một chất làm tăng bài tiết Acid Uric qua nước tiểu nhưng ít dùng vì nguy cơ ức chế tủy xương.
+ Probenecid: Một số nhà khớp học chọn dùng probenecid vì ít gây tác dụng phụ hơn allopurinol. Probenecid có thể dùng ở đa số đàn ông bị Gout, tuổi trung niên, khoẻ mạnh. Chỉ định dùng allopurinol thay vì probenecid khi có suy thận .
+ Urate-oxidase (uricase) được dùng ở châu Âu để đề phòng tăng Acid Uric máu nghiêm trọng do hoá trị ung thư, và cho bệnh nhân kháng với các điều trị gout thông thường.
+ Benzbromarone là một tác nhân tăng Uric-niệu hiệu quả. Tuy nhiên, nó có thể gây nhiễm độc gan cấp.
+ Febuxostat, chất ức chế xanthine oxidase không purine dùng thay thế allopurinol trong các bệnh nhân không đáp ứng thuốc hoặc suy thận.
6. Chế độ ăn
– Hạn chế thức ăn nhiều đạm (thịt bò, hải sản, nội tạng động vật…), chất béo và uống bia rượu.
– Không ăn nhiều các loại đậu hạt, măng tây.
– Dùng nhiều: Các loại rau xanh, trái cây tươi, các loại ngũ cốc
– Uống nhiều nước, nước khoáng có bicarbonate, nước sắc lá xakê.
– Tăng cường vận động.
– Tránh stress, tránh gắng sức, tránh lạnh đột ngột…
DS Thanh Tú
Điện thoại tư vấn: 0976.957.908