Đái tháo đường có gây loãng xương?

Đái tháo đường có gây loãng xương?

Câu hỏi: Tôi bị đái tháo đường týp 2 đã mấy năm, hiện nay tôi 64 tuổi, vừa rồi tôi đi khám sức khỏe thì phát hiện bị loãng xương. Xin hỏi bác sĩ có phải đái tháo đường gây ra loãng xương không?

          Đỗ Thị Bích (Thái Nguyên)

>> Uống rượu dễ bị loãng xương?

>> Khi nào cần đo mật độ xương để chẩn đoán loãng xương?

Trả lời:

Loãng xương là một loại bệnh toàn thân mà đặc điểm chính là sự giảm sút mật độ xương, kết cấu các tổ chức xương bị phá vỡ dẫn đến giòn xương, dễ gãy. Phụ nữ thường mắc loãng xương nhiều hơn nam giới, người ta cho rằng quá trình sinh đẻ có ảnh hưởng đến chứng bệnh này. Hầu như người già đều xảy ra hiện tượng này. Những bệnh nhân đái tháo đường týp 1 cũng như týp 2 nếu không được điều trị tốt, đường huyết tăng cao, lượng đường bị đào thải ra ngoài theo nước tiểu nhiều kéo theo lượng canxi, photpho cũng bị đào thải ra nhiều. Những khoáng chất này là thành phần chủ yếu của muối xương, nếu bị mất đi một số lượng lớn sẽ dẫn đến giảm sút mật độ xương gây ra loãng xương. Qua quan sát trên lâm sàng phát hiện thấy đường huyết lúc đói và số lượng đường trong nước tiểu càng tăng cao thì mật độ xương càng thấp, loãng xương càng dễ hình thành. Nếu đường huyết giảm xuống gần với trị số bình thường thì canxi niệu cũng giảm xuống mức bình thường.

Bệnh nhân đái tháo đường thường kèm theo có sự rối loạn về chuyển hoá và nội tiết, đồng thời kèm theo có bệnh lý về mạch máu, trong đó bao gồm vi mao mạch xương dẫn đến giảm dinh dưỡng xương, giảm hình thành xương, tăng tiêu hủy xương tiến tới thúc đẩy quá trình loãng xương. Vì vậy, để phòng ngừa tốt các biến chứng, bệnh nhân cần được kiểm soát tốt đường huyết, có chế độ ăn giàu canxi và tập luyện phù hợp.    
       
BS. Đặng Quốc Nam