Đàn ông loãng xương, vì sao?

Đàn ông loãng xương, vì sao?

>> Rượu: Nguyên nhân gây bệnh loãng xương

>> Ai là người dễ bị loãng xương?

Một nghiên cứu cho thấy có 20% nam giới bị loãng xương. Đâu là nguyên nhân gây loãng xương ở nam giới? Có thể cải thiện được bệnh loãng xương ở nam giới như thế nào? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn đọc trả lời các câu hỏi đó.

Có nhiều nguyên nhân gây loãng xương ở nam giới, do nội tiết, do bệnh tật, do dùng thuốc chữa bệnh, do ăn uống và sinh hoạt như sau:
 
Thiếu nội tiết tố testosteron
 
Một nguyên nhân phổ biến nhất gây loãng xương ở nam giới là thiếu hụt testosteron. Vì vậy đối với nam giới có testosteron thấp, thầy thuốc sẽ chỉ định dùng testosteron để giúp bổ sung khối lượng xương. Tuy nhiên khoa học vẫn chưa biết xương được xây dựng bao nhiêu là do tác dụng trực tiếp của testosteron. Cơ thể nam giới cũng cần một lượng nhỏ estrogen, và estrogen có tác dụng bảo vệ mật độ xương ở cả nam và nữ. Trong cơ thể đàn ông, sự chuyển đổi testosteron thành estrogen là để xây dựng khối lượng xương. Tuy estrogen không lưu hành với nồng độ cao trong cơ thể nam giới, nhưng nó là một yếu tố quan trọng giúp xây dựng và bảo vệ xương.
 
Nồng độ canxi và vitamin D thấp
 
Xương liên tục phát triển trong một quá trình tự nhiên gọi là tân tạo, với các tế bào xương cũ bong ra và các tế bào xương mới phát triển để thay thế. Quá trình để tạo  xương mới, cơ thể cần nhiều canxi và vitamin D. Vì nếu không có đủ canxi và vitamin D, cơ thể sẽ không tạo ra được đủ xương mới, không giữ được mật độ xương kiên cố với canxi và khoáng chất khác.
  
 Loãng xương chậu trên phim X-quang
  
Người ít hoạt động
 
Khi cơ thể hoạt động, cơ kéo xương, xương phản ứng bằng cách phát triển. Nhưng nếu cơ thể ít lao động thì cả xương và cơ đều yếu đi. Các nghiên cứu đã cho thấy: tập thể dục làm tăng khối lượng xương,  nhưng chỉ tại các vị trí có căng thẳng xương, chẳng hạn đi bộ hoặc chạy bộ có thể tăng mật độ xương ở hông. 
 
Dùng các thuốc làm giảm khối lượng xương
 
Hầu hết các thuốc làm mất xương ở phụ nữ thì cũng làm mất xương ở nam giới. Những thuốc đó là: corticosteroid, các steroid chống viêm làm giảm phản ứng miễn dịch của cơ thể như cortison, hydrocortison, glucocorticoid và prednison. Các thuốc chống viêm này có tác dụng tốt trong điều trị suyễn, chống viêm, chống dị ứng… nhưng lại gây hại với xương.
 
Một nghiên cứu cho biết, liều prednison cao hơn 7,5mg/ngày làm ngừng hoàn toàn tăng trưởng xương mới, đồng thời tăng tốc độ mất xương bình thường của xương cũ. Thuốc chữa bệnh ung thư tuyến tiền liệt, thuốc gọi là các chủ vận GnRH thường sử dụng cho nam giới mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt, có thể dẫn đến mật độ khoáng xương thấp và tỷ lệ gãy xương cao hơn. Thuốc chống co giật cũng làm mất xương, nhất là những người đàn ông uống liều cao kéo dài và không có đủ canxi hoặc vitamin D.
 
Mắc một số bệnh ảnh hưởng đến xương
 
Đó là các bệnh: xơ nang, tiểu đường, viêm khớp dạng thấp, rối loạn tiêu hóa, bệnh về máu. Đối với những người có bệnh mạn tính nói trên và đang dùng thuốc trong nhiều năm qua thì điều quan trọng nhất là phải thực hiện một chế độ ăn uống có nhiều canxi và vitamin D, đồng thời phải duy trì việc tập thể dục đều đặn hàng ngày giúp xương phát triển và chắc khỏe. 
 
Hút thuốc
 
Người hút thuốc có nguy cơ gãy xương cao hơn, trong đó nguy cơ gãy xương hông cao hơn 55% so với người không hút thuốc và mật độ khoáng xương ở người hút thuốc thấp hơn người không hút. Chất nicotin có hiệu ứng độc hại trực tiếp lên các tế bào xương.
 
Nam giới bị loãng xương cần làm gì để cải thiện bệnh? 
 
Đối với nam giới bị loãng xương, họ có thể thay đổi lối sống để phòng và chữa bệnh như sau:
 
Tập luyện thể dục thể thao cho sức mạnh của xương. Kể từ thời kỳ cao điểm để lưu trữ canxi và gia tăng mật độ xương trong thời niên thiếu, nam giới có thể xây dựng được xương mạnh hơn trong nhiều năm nhờ luyện tập các môn thể dục thể thao. Sự tập luyện như vậy rất có ích trong những năm sau, khi sự tái tạo xương trong cơ thể đã chậm lại. Tập thể dục thể thao có thể bảo toàn khối lượng xương, nhất là thực hiện sự tập luyện hợp lý. Chạy bộ, nhảy dây có tác động cao duy trì khối lương xương. Đi bộ, trượt tuyết có tác động thấp. Các chuyên gia khuyên rằng chúng ta nên áp dụng: 30 phút hoạt động vừa phải như đi bộ nhanh thực hiện hầu hết các ngày trong tuần; rèn luyện sức mạnh như nâng tạ hoặc rèn luyện đối kháng với trọng lượng máy 2lần/1tuần.
 
Dùng canxi để tăng cường tạo xương. Khi đã có dấu hiệu khối lượng xương thấp hay loãng xương, nên bổ sung canxi. Nhưng muốn lượng canxi được cơ thể hấp thu để tái tạo xương thì cơ thể phải được cung cấp đủ vitamin D cần thiết, nếu không tất cả canxi ăn vào đều thải ra hết.
 
Một việc cần làm nữa là nên định kỳ khám sức khỏe để sớm phát hiện sự thiếu hụt nội tiết tố hoặc các bệnh có thể làm suy yếu xương. Giữ cho xương chắc khỏe là rất quan trọng, nó có ý nghĩa giúp cơ thể tránh gãy xương do những chấn thương nhẹ sau này để có thể sống khỏe mạnh.

Theo BS. Trần Văn Phong (Sức Khỏe & Đời Sống)