Dấu hiệu trẻ bị cận thị

Dấu hiệu trẻ bị cận thị

 

Nếu con bạn thường xuyên dụi mắt ngay cả khi bạn biết chắc nó không buồn ngủ, hoặc cảm thấy chói khi nhìn ánh sáng thì nên đưa đi khám. Có thể trẻ đã bị cận thị.

>> Cận thị tuổi học đường

>> 10 câu hỏi thường gặp về cận thị học đường

>> Phòng ngừa chữa trị cận thị cho trẻ

Bác sĩ Trần Thế Hưng, Bệnh viện Mắt Sài Gòn – Hà Nội, cho biết, tỷ lệ cận thị ở trẻ em đang ngày càng tăng bởi dù khi học tập hay giải trí, mắt đều phải nhìn gần, không gian sống lại chật hẹp. Ở học sinh phổ thông trung học và sinh viên, tỷ lệ mắc tật khúc xạ (chủ yếu cận thị) là 50%, thậm chí có những trường chuyên lớp chọn ở thành phố lớn lên đến 80%.

Lứa tuổi phát mắc cận thị nhiều nhất là 11- 16. Bệnh được phát hiện nhiều nhất khi trẻ bước vào lớp đầu cấp, chẳng hạn như lớp 6, lớp 10, bởi đây là lúc gia đình và nhà trường hay khám tầm soát cho trẻ.

Theo bác sĩ Hưng, nếu không phát hiện bệnh sớm để đeo kính kịp thời, tật cận thị sẽ nặng hơn, thậm chí dẫn đến lác và nhược thị. Với trẻ em, điều này ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ bởi 80% lượng thông tin mà não thu nhận được là qua mắt.

 

Những dấu hiệu báo động

– Khi xem TV hay học ở lớp, trẻ phải chạy lại gần mới nhìn thấy, hoặc trẻ thường phải chép bài của bạn.

– Kết quả học tập giảm sút, hay chép đề bài sai hoặc viết sai chữ.

– Hay nheo mắt, nghiêng đầu khi xem tivi hoặc nhìn một vật ở xa.

– Thường hay dụi mắt mặc dù trẻ không buồn ngủ.

– Sợ ánh sáng hoặc chói mắt.

– Trẻ hay than mỏi mắt nhức đầu, hay chảy nước mắt.

– Nhắm một mắt khi đọc hoặc khi xem tivi.

– Không thích các hoạt động liên quan tới thị giác như vẽ hình, tô màu hay tập đọc hoặc các hoạt động liên quan tới thị giác xa như chơi ném bóng.

– Khi đọc hay bị nhảy hàng, hoặc phải dùng ngón tay để dò theo các chữ.

Khi nhận thấy con có các dấu hiệu trên, cha mẹ cần mang trẻ đi khám. Cần chọn bệnh viện chuyên về nhãn khoa, hoặc các khoa mắt có bộ phận khúc xạ, bởi nhiều khi bác sĩ phải nhỏ thuốc liệt điều tiết mới khám được chính xác. Thuốc này có nhiều tác dụng phụ và nguy cơ gây glaucoma góc đóng, do đó cần có chỉ định chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa.

Với những trẻ đã được chẩn đoán cận thị, cần tái khám 6 tháng một lần, bởi mắt trẻ còn thay đổi và nhiều khả năng phải thay kính.