Nám là một bệnh da phổ biến, đa phần gặp ở phái nữ, thể hiện trên da mặt bằng những đốm nâu từ nâu nhạt đến màu nâu sẫm, kích thước thay đổi, thường xuất hiện trên hai má, sống mũi, trán, cằm. Mặc dù là bệnh lành tính, cả bệnh nhân và thầy thuốc đều chẩn đoán dễ dàng bằng mắt thường, song việc làm biến mất chúng khỏi khuôn mặt của bạn sẽ thực sự khó khăn nếu không biết cách.
Nám – Nỗi lo của phụ nữ
Nguyên nhân gây bệnh nám, sạm da rất nhiều. Từ những nguyên nhân đơn giản (phơi bày ra nắng nhiều, sử dụng mỹ phẩm bừa bãi, dùng một số thuốc gây nhạy cảm ánh sáng. Điều này giải thích vì sao nám xuất hiện ở vùng mặt), cho đến những nguyên nhân khác mà việc tìm kiếm ra nó, khắc phục nó vô cùng nhiêu khê, phức tạp như: Yếu tố nội tiết, căng thẳng thần kinh, do yếu tố chủng tộc, nòi giống hoặc do sự lão hoá của da mặt nói riêng và cơ thể nói chung mà chúng ta phải đối mặt từng ngày…
Từ những lí do đã phân tích, bạn sẽ thấy rằng nám là nỗi lo và là sự mặc cảm của chị em phụ nữ, đặc biệt là khi bước qua độ tuổi 30. Và để đối phó với hiện tượng này, không ít phụ nữ đã tự mình làm hư da mình do áp dụng những phương pháp thiếu khoa học, từ đó, vô tình khiến cho da mặt không chỉ không bớt nám, sạm mà còn nổi mụn, đỏ mặt, da khô, trở nên mẫn cảm, dễ ngứa.
Nên
* Tránh nắng: Việc chống nắng tích cực có thể giúp bạn giới hạn sự phát triển của bệnh, làm nhạt màu vết nám trong một số trường hợp và ngăn ngừa tái phát sau khi việc trị nám đã mang lại kết quả khả quan. Bạn nên giới hạn đến mức tối đa việc ra nắng, đặc biệt vào thời điểm có cường độ tia cực tím cao (từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều). Trường hợp bắt buộc phải ra nắng, bạn nên che mặt bằng khăn, nón rộng vành.
* Chế độ ăn uống: Chú ý bổ sung nguồn thực phẩm cung cấp các chất chống lại gốc tự do như vitamine C, beta carotene, vitamine E, selenium.
* Massage thư giãn, làm mặt nạ với các chất có công dụng làm giảm sắc tố.
* Sử dụng những biện pháp cải thiện độ sậm của vết nám theo hướng dẫn của bác sĩ. Có nhiều biện pháp như dùng thuốc bôi, sử dụng các biện pháp vật lý như chiếu laser, lột da mặt… Bên cạnh những trị liệu tại chỗ đã kể, thầy thuốc cũng thường hướng dẫn người bệnh uống thêm một số biệt dược chứa thành phần L-Cystine với gốc –SH, một acid amin tự nhiên có vai trò hỗ trợ đào thải các hắc tố da ra bên ngoài, từ đó, cải thiện đáng kể vết nám, sạm da, giúp làn da sáng và khoẻ hơn.
* Phải kiên trì: Việc sửa chữa làn da, vóc dáng không thể có kết quả trong một sớm một chiều. Đây cũng là một bệnh thách đố sự kiên trì của bạn, dù uống, dù thoa, dù làm laser hay gì gì đi nữa… kết quả chỉ có thể nhận biết được sau nhiều tuần, nhiều tháng.
Không nên
* Tự điều trị: Khi thấy mình bị nám, sạm da, hãy đến bệnh viện hoặc phòng khám da liễu để được tư vấn điều trị đúng cách.
* Không nên dùng các loại kem, thuốc không rõ xuất xứ, nguồn gốc, thành phần, hoặc các loại kem pha chế. Điều này sẽ giúp bạn không phải gặp những ảnh hưởng xấu cho sức khoẻ và làn da.
BS Võ Thị Bạch Sương
(Giảng viên Đại học Y Dược TPHCM)
Số điện thoại tư vấn: 04.3995.3167