Có thể bạn đã từng biết một vài người bị hen suyễn và bạn rất ấn tượng với hình ảnh họ “hen rút cổ lại với các tiếng cò cử”. Nhưng xin bạn hiểu cho rằng: có nhiều tác nhân gây hen suyễn và khác nhau ở từng người, nên không thể đem “kinh nghiệm” của bệnh nhân này “truyền” cho bệnh nhân khác được. Vậy loại bỏ tác nhân gây hen suyễn cách nào để có thể sống khỏe mạnh với bệnh hen?
>> Thuốc cắt cơn hen suyễn
>> Thuốc dự phòng hen suyễn
Thuốc lá thuốc lào: Hãy thống nhất cùng mọi thành viên trong gia đình không cho phép bất cứ ai hút thuốc trong nhà hay xung quanh, nhất là trong phòng ngủ hoặc trong xe hơi.
Vi sinh vật: Trong không khí nói chung là những vi khuẩn, virut rất nhỏ bé mà mắt thường không nhìn thấy được. Tuy nhiên bạn có thể loại bỏ chúng bằng nhiều cách: bọc che nệm và gối trong bao ni lon; thay bỏ các gối cũ; luộc giặt ga giường và chăn hàng tuần để tiêu diệt vi khuẩn; không để thú nhồi bông trong giường và giặt định kỳ các thú nhồi bông này trong nước nóng; giảm độ ẩm trong nhà ở dưới 50%.
Thú nuôi trong nhà: có nhiều người bị dị ứng với phân, nước tiểu, các vảy da hay nước bọt đã khô của các con thú có lông mao hay lông vũ nuôi trong nhà; hãy để chúng ở bên ngoài nhà vì đó sẽ là cách tốt nhất để kiểm soát hen suyễn nếu bạn bị dị ứng với thú nuôi; trường hợp không thể nuôi các con thú ở ngoài nhà, thì đừng đưa chúng vào phòng ngủ, cách ly chúng bằng cách đóng cửa phòng ngủ; dùng máy lọc không khí cho phòng ngủ; không dùng thảm hay các khăn phủ bàn ghế bằng vải vì đây là nơi “trú ẩn” của chất thải các thú nuôi và các bụi lạ gây hen suyễn.
Chống gián: phân, các mảnh vụn xác gián gây dị ứng hen suyễn với nhiều bệnh nhân, vì vậy cần chống gián bằng nhiều cách như không để thức ăn trong phòng ngủ; tránh làm thức ăn vương vãi, thùng rác phải có nắp đậy; phun thuốc diệt gián thường xuyên, nhưng đừng để cho bệnh nhân hen ngửi phải mùi thuốc bằng cách bảo họ ra khỏi nhà cho đến khi hết mùi thuốc.
Loại trừ nấm mốc trong nhà: nấm mốc phát triển được là nhờ sự ẩm thấp vì vậy không để nước rò rỉ ra nhà gây ẩm tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển; dùng khăn tẩm thuốc tẩy rửa lau nấm mốc trên các bề mặt đồ vật; thay hoặc giặt kỹ các thảm chùi chân bị mốc.
Chống khói và các mùi nặng: không đun bếp củi, bếp than hoặc bếp dầu trong nhà; dùng bếp ga theo đúng hướng dẫn an toàn như khóa bình ga rồi mới tắt bếp để khỏi hít phải mùi khí ga chưa cháy hết; tránh cho bệnh nhân hen hít phải các mùi nặng như nước hoa, phấn rôm, thuốc xịt tóc, lăn khử mùi, xăng dầu…
Bụi, phấn hoa, nấm mốc ngoài nhà: mùa hanh khô hay mùa bạn thường bị dị ứng, nên đóng kín cửa sổ vì thời gian này lượng phấn hoa và một số nấm mốc có nồng độ cao nhất dễ bay vào nhà; khi phải ra ngoài cần đeo khẩu trang để tránh hít phải bụi và phấn hoa.
Phòng chống cảm cúm và nhiễm khuẩn khác: bệnh cảm cúm và nhiễm khuẩn thường làm bùng phát cơn hen suyễn ở nhiều bệnh nhân hen, vì vậy cần thực hiện các biện pháp phòng chống như: tiêm phòng bệnh cúm hàng năm; làm việc, nghỉ ngơi điều độ, không lao động quá sức, tránh thức khuya, ăn uống đủ chất, tập thể dục đều đặn, tránh tiếp xúc với người bị cảm cúm và các bệnh nhiễm khuẩn, thường xuyên đeo khẩu trang để tránh bị lây bệnh cúm…
Không bao giờ dùng lại các thức ăn và thuốc đã từng gây dị ứng như thịt bò, thịt gà, trứng gia cầm, con nhộng tằm, tôm, cua, thủy hải sản…, rượu, bia; một số thuốc chữa bệnh như thuốc chữa tăng huyết áp, thuốc điều trị viêm khớp, kháng sinh…
Loại bỏ được các tác nhân gây hen suyễn là bạn có thể sống khỏe mạnh với bệnh hen.
ThS. Phạm Thanh Tùng