Điều trị bệnh thoái hóa khớp bằng tế bào gốc

Điều trị bệnh thoái hóa khớp bằng tế bào gốc

Bệnh thoái hóa khớp là một bệnh rất hay gặp và là một trong những nguyên nhân chính gây giảm, mất khả năng vận động ở người cao tuổi. Trong khi đó, các phương pháp điều trị hiện nay, cả nội khoa và ngoại khoa rất tốn kém nhưng cũng chưa đạt được kết quả mong muốn. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ tế bào gốc nhiều năm qua, người mắc bệnh khớp nói chung và thoái hóa khớp nói riêng hoàn toàn có thể trông đợi vào việc ứng dụng tế bào gốc nguồn gốc mô mỡ để điều trị khỏi bệnh.

>> Điều trị giảm đau thoái hóa khớp

>> Điều trị thoái hóa khớp gối bằng Đông y

Cơ sở lý thuyết về điều trị tế bào gốc là: sự tổn thương của bất kỳ một tế bào, mô hay cơ quan nào trong cơ thể sẽ tiết ra những chất hấp dẫn các tế bào gốc có trong cơ thể tập trung, di chuyển đến vị trí tổn thương, kích hoạt tế bào gốc từ một loại tế bào không chuyên biệt biến chuyển thành tế bào chuyên biệt tương ứng với mô, cơ quan tổn thương, từ đó sửa chữa, tái tạo những tổn thương tại chỗ bằng cách xây dựng các mô lành mạnh thay thế. Như chúng ta đã biết, thoái hoá khớp là hậu quả của quá trình cơ học và sinh học làm mất cân bằng giữa tổng hợp và huỷ hoại của sụn và xương dưới sụn. Những thay đổi về mặt hình thái, hóa sinh, phân tử và cơ sinh học của cả các tế bào sụn và chất cơ bản dẫn đến sụn khớp trở nên mềm, lắng đọng fibrin, trợt loét, xơ hóa, trơ xương dưới sụn, mọc gai xương và các hốc xương dưới sụn. Như vậy, trong thoái hóa khớp, khi đưa các tế bào gốc nguồn gốc trung mô vào khớp bị thoái hóa, các tế bào gốc sẽ biệt hóa thành các tế bào sinh sụn, từ đó tạo ra các tế bào sụn để tái tạo sụn khớp bị tổn thương.

Thực hiện điều trị thoái hóa khớp gối bằng tế bào gốc nguồn gốc mô mỡ thế nào?

Trước tiên, cần thu thập mỡ bụng của chính bệnh nhân bằng phương pháp gây tê tại chỗ. Đây là một kỹ thuật can thiệp tối thiểu ít gây xâm hại cho bệnh nhân.

Tách lấy tế bào gốc từ mỡ bụng và tách các yếu tố tăng trưởng nguồn gốc tiểu cầu từ huyết tương tươi, sau đó trộn lẫn tế bào gốc thu được với dung dịch chứa các yếu tố tăng trưởng để tạo thành môi trường thuận lợi cho sự phát triển của tế bào gốc.

Tế bào gốc sau đó cần được hoạt hóa bằng cách đưa hỗn dịch trên qua đèn laser chuyên dụng, nơi tạo ra các bước sóng thích hợp có tác dụng hoạt hóa tế bào. Kết quả là thu được hàng triệu tế bào gốc đã được hoạt hóa.

Cuối cùng là bước tiêm tế bào gốc đã được hoạt hóa vào khớp gối thoái hóa. Kỹ thuật đưa tế bào gốc vào trong khớp cũng có hai cách: cách thứ nhất là tiêm trực tiếp tế bào gốc vào trong khớp, bằng cách này, tế bào gốc sẽ tự thực hiện vai trò của nó một cách tự nhiên mà không có sự can thiệp nào khác. Cách thứ hai là tạo ra các giá thể tổng hợp để tế bào gốc bám vào, bằng cách đó có thể tạo ra các cấu trúc không gian ba chiều phù hợp hình dạng và kích thước tổn thương của sụn khớp; hoặc đưa vào trong khớp tế bào gốc cùng với những môi trường tự nhiên thuận lợi cho sự phát triển của chúng như collagen týp 1, hyaluronan hay alginate.

Tế bào gốc có ở đâu?

Tế bào gốc được phân chia thành 4 nguồn chính, đó là tế bào gốc phôi, tế bào gốc thai, tế bào gốc từ dây rốn và tế bào gốc từ người trưởng thành. Trong đó, việc sử dụng tế bào gốc nguồn gốc từ người trưởng thành (adult stem cells- ASCs) là khả thi nhất. Tế bào gốc ở người trưởng thành hiện diện ở nhiều cơ quan như tủy xương, máu ngoại vi, não bộ, gan, tụy, da cơ… Trước đây, việc lấy tế bào gốc chủ yếu ở tủy xương và máu ngoại vi nhưng số lượng thường ít, do đó hoặc phải lấy rất nhiều tủy xương hay máu, hoặc cần phải nuôi cấy để đạt được số lượng tế bào cần thiết. Ngày nay, một số nghiên cứu cho thấy lấy tế bào gốc nguồn gốc mô mỡ (Adipose  Tissue Adult stem cells- AT-ASCs) là một biện pháp tối ưu: mô mỡ, đặc biệt mỡ bụng có rất nhiều tế bào gốc; không phải nuôi cấy phức tạp mà vẫn có thể lấy đủ số lượng tế bào gốc phục vụ điều trị; lấy mỡ bụng rất đơn giản, chỉ cần gây tê tại chỗ vùng bụng để hút mỡ mà hầu như không gây tổn hại cho bệnh nhân. Một ưu điểm của AT-ASCs là có nhiều đặc điểm tương tự tế bào gốc nguồn gốc tủy xương. Cả hai đều có nguồn gốc từ lá phôi giữa trong thời kỳ phát triển của bào thai nên còn gọi chung là tế bào gốc nguồn gốc trung mô. AT-ASCs có thể phát triển thành các tế bào đặc hiệu nguồn gốc trung mô như tế bào mỡ, nguyên bào sợi, tế bào cơ, xương, sụn… trong những môi trường có các yếu tố tăng trưởng phù hợp.

 ThS. Bùi Hải Bình (Khoa Cơ xương khớp _ Bệnh viện Bạch Mai)