Điều trị suy giáp có nhất thiết phải phẫu thuật?

Điều trị suy giáp có nhất thiết phải phẫu thuật?

Hỏi: Người mắc bệnh suy giáp điều trị bằng thuốc kháng giáp chứ không xạ trị thì có thể khỏi được không và phải điều trị bao lâu mới hết bệnh? Trong quá trình điều trị nếu có những triệu chứng bất thường như mắt lồi thì sau khi khỏi bệnh những triệu chứng này có mất đi không?

(Liên – 21/210 Nguyễn Du, Gò Vấp, TP.HCM)

Trả lời:

Suy giáp được định nghĩa là sự thiếu hoặc không có hocmon tuyến giáp. Suy giáp nguyên nhân do bệnh hoặc tổn thương tại tuyến gọi là suy chức năng tuyến giáp tiên phát. Nếu do suy chức năng thùy trước tuyến yên gọi là suy giáp thứ phát hay suy giáp do tuyến yên.

Đây là một bệnh hay gặp trong lâm sàng nội khoa cũng như ngoại khoa, hay xảy ra sau điều trị bệnh nhiễm độc giáp bằng phẫu thuật hoặc bằng iode phóng xạ và có thể đề phòng những sai sót trong quá trình phát triển bệnh bằng thuốc điều trị đặc hiệu. Trong một số trường hợp suy giáp có bướu cổ to có thể điều trị bằng Thyroxin bướu có thể nhỏ lại bình thường mà không cần phải phẫu thuật.

Như vậy, suy giáp có thể gặp trong quá trình điều trị các bệnh nhiễm độc giáp bằng phẫu thuật cắt bỏ tuyến quá nhiều hay Iode phóng xạ trong các bệnh cường giáp trước đây là chủ yếu. Việc điều trị bằng thuốc kháng giáp cũng làm cho tuyến giáp to ra và gây hiện tượng suy tuyến giáp. Do vậy, để đề phòng tác dụng này thường bệnh nhân được điều trị một liều lượng hocmon tuyến giáp Thyroxin.

Lồi mắt có thể xuất hiện ở những bệnh nhân được điều trị bằng thuốc kháng giáp trạng tổng hợp, bằng iode phóng xạ hay sau phẫu thuật, cũng có những trường hợp lồi mắt khi chức năng tuyến giáp bình thường hoặc giảm. Về tiến triển của lồi mắt có khi kéo dài rất lâu ở mức độ nhẹ nhưng cũng có trường hợp tiến triển nặng lên rất nhanh. Cơ chế của lồi mắt cũng rất phức tạp và chưa được sáng tỏ, do vậy khó lường trước được lồi mắt có thể hết hẳn hay không sau quá trình điều trị.

BS Bạch Long