Ðiều trị suy tủy như thế nào?
Hỏi: Cháu tôi năm nay 7 tuổi, phát hiện bị bệnh suy tủy hơn 1 năm nay, phải truyền máu thường xuyên. Xin hỏi nguyên nhân do đâu? Hiện nay đã có biện pháp điều trị nào để không còn phải truyền máu?
Võ Văn Hoàng (Đồng Nai)
Trả lời:
Suy tủy là tình trạng thiếu máu do tủy xương không còn khả năng sản sinh tế bào máu, ngoài thiếu máu có kèm theo giảm bạch cầu, tiểu cầu. Người bệnh suy tủy thường có biểu hiện thiếu máu từ từ cho đến khi mức độ thiếu máu nặng thì thấy mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, đánh trống ngực khi gắng sức. Nhiều khi phát hiện bệnh bắt đầu bằng dấu hiệu xuất huyết, bầm tím, chảy máu chân răng, mũi, miệng… hoặc đôi khi có biểu hiện sốt nhiễm khuẩn do bạch cầu giảm. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra nhưng một số đã được biết đến như: Các loại hóa chất gây độc mạn tính hoặc cấp tính cho tủy xương như benzen, kim loại nặng, các thuốc trừ sâu…; các bệnh nhiễm khuẩn, nhất là nhiễm virut như viêm gan B, Herpes…; các yếu tố phóng xạ… Trong nhiều trường hợp, rất khó tìm nguyên nhân. Cho đến nay, nước ta suy tủy thường chỉ được áp dụng phương pháp điều trị cổ điển là truyền máu và một số thuốc hỗ trợ. Phương pháp này cho hiệu quả thấp. Sau một năm điều trị, số bệnh nhân sống sót chỉ còn khoảng 20%. Thực tế tỷ lệ này còn thấp hơn do bệnh nhân không được truyền máu, truyền tiểu cầu đầy đủ. Ngày nay, người ta đã đưa vào phác đồ điều trị suy tủy các thuốc ức chế miễn dịch kết hợp với ghép tủy dị ghép làm cho tỷ lệ sống của bệnh nhân suy tủy đã được nâng lên (70-80%). Bệnh viện Nhi Trung ương đã thành công với 2 ca ghép tủy đầu tiên, nhưng đây là một kỹ thuật cao, tốn kém, mới chỉ bắt đầu thực hiện ở nước ta. Cháu nhà bác đã được chẩn đoán bị suy tủy thì cần phải tuân thủ quy trình truyền máu, tiểu cầu theo chỉ định của bác sĩ, cần thường xuyên chủ động liên hệ với các bệnh viện có khả năng điều trị tốt để cháu bé được chữa bệnh kịp thời.
TS.Dương Bá Trực