Đông y điều trị hiếp thống

Đông y điều trị hiếp thống

Hiếp thống là bệnh đau sườn kèm theo những triệu chứng: hông sườn đầy tức, tinh thần không thư thái. Chứng hiếp thống do nhiều nguyên nhân gây ra. Do can khí uất kết, tình chí uất ức hại đến can; do huyết ứ làm cho đường kinh lạc ở sườn bị trở trệ mà gây ra đau; có khi do thấp nhiệt tà khí ở bên ngoài xâm nhập vào rồi kết đọng ở can đởm, đường lạc cũng bị ảnh hưởng làm cho chức năng của can đởm, của kinh lạc bị rối loạn, bị trì trệ mà gây ra đau.

Sau đây là một số cách điều trị của y học cổ truyền theo từng thể bệnh:

Hiếp thống do can khí uất kết: Biểu hiện đau tức hạ sườn phải, đau không cố định, có khi đau lan ra phía sau, có khi đau rát đến vùng thượng vị. Ngực tức, tinh thần không thư thái. Đoản khí, ăn uống kém, ợ hơi, đau tăng hoặc giảm có liên quan đến tình chí. Nguyên tắc điều trị: sơ can, giải uất, lý khí. Dùng một trong các bài thuốc sau:

Bài 1: sài hồ 12g, xuyên khung 12g, hương phụ 12g, chỉ xác 10g, trần bì 12g, đương quy 12g, rau má 16g, cỏ mần trầu 16g, kim ngân 16g, cam thảo đất 16g. Sắc uống ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.

– Nếu nước tiểu ít, vàng đỏ gia: mã đề thảo 16g, lá tre 16g.

– Nếu đại tiện bí kết gia: sinh địa 12g, ngân hoa 12g. Nếu trằn trọc khó ngủ gia: hắc táo nhân 16g, lá vông 16g.

Bài 2: hương phụ 12g, đan bì 10g, chi tử 10g, nhân trần 10g, củ đợi 12g, cây chó đẻ 12g, sài hồ 12g, xa tiền tử 10g. Sắc uống ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.

– Nếu đầy bụng buồn nôn, lợm giọng, rối loạn tiêu hóa gia: bán hạ, hậu phác, trần bì mỗi vị 10g.

– Nếu tâm phiền đầu choáng, mắt hoa, lưỡi đỏ, khó ngủ gia: hoàng cầm 12g, đinh lăng 16g để thanh nhiệt ở tạng can.

 

Hiếp thống thể huyết ứ: Biểu hiện đau sườn, mức độ đau mạnh, đau ở một nơi cố định. Ban đêm đau tăng lên. Khám bụng có thể phát hiện vùng cứng. Gõ: nghe tiếng đục, chất lưỡi tím. Do huyết ứ làm trắc trở đường kinh lạc. Cả khí huyết đều trở trệ. Nguyên tắc điều trị: hoạt huyết, hóa ứ, thông lạc. Dùng một trong các bài thuốc sau:

Bài 1: đào nhân 10g, quy vĩ 12g, nam hoàng bá 12g, rau má 16g, cà gai leo 12g, trần bì 12g, lá đắng 12g, cam thảo đất 16g, đan sâm 16g, ích mẫu 16g, thạch xương bồ 12g. Sắc uống ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.

Bài 2: hồng hoa 10g, tô mộc 20g, nga truật 12g, thương nhĩ (sao) 12g, ích mẫu 16g, bạch thược 12g, ngũ gia bì 16g, nhân trần 10g, củ đợi 12g, xa tiền tử 10g, cam thảo 12g, phòng sâm 12g, sâm hành 12g. Sắc uống ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần. Nếu khí trệ nhiều gia: trần bì, hương phụ, chỉ xác mỗi vị 10g.

Hiếp thống thể thấp nhiệt: Biểu hiện đau tức vùng hạ sườn phải, da vàng, tiểu vàng, đau đầu ít ngủ, ăn uống kém, cảm giác trướng đầy, phân thường táo, nhiều trường hợp kèm theo ngứa da. Phương pháp điều trị: thanh nhiệt, lợi thấp, lợi gan mật. Dùng bài thuốc: nhân trần 16g, hạ liên châu 12g, ngân hoa 10g, liên kiều 12g, hoàng cầm 12g, chi tử 12g, đương quy 12g, ngũ gia bì 12g, rau má 16g, cỏ mực 16g, mộc thông 12g. Sắc uống ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.

Hiếp thống thể can âm bất túc: Biểu hiện mạng sườn đau lâm râm, miệng khô họng ráo, mệt mỏi, da nóng, phân táo, tiểu đỏ. Phép điều trị: dưỡng âm, nhu can. Dùng bài thuốc: sinh địa 12g, khởi tử 12g, mạch môn 16g, đinh lăng 12g, sa sâm 16g, đương quy 16g, bạch thược 12g, mã đề thảo 16g, đan bì 10g, cam thảo 12g, tang diệp 16g, hoài sơn 12g. Sắc uống ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.

Lương y Văn Trịnh