Đừng phá hủy mối quan hệ tốt đẹp giữa thầy thuốc và người bệnh

Đừng phá hủy mối quan hệ tốt đẹp giữa thầy thuốc và người bệnh
Hãy đến các phòng hồi sức, cấp cứu, phòng mổ của hàng trăm bệnh viện, để thấy hàng chục nghìn trường hợp bệnh nặng được cứu sống mỗi ngày. Hãy tính hàng trăm nghìn người bệnh được khám, chẩn đoán, điều trị khỏi, hồi phục và trở lại với cộng đồng để làm việc và tiếp tục đóng góp cho xã hội. Hãy đếm những đêm trực không ngủ, những ngày cuối tuần không nghỉ của hàng trăm nghìn nhân viên y tế năm này qua tháng nọ…

Hậu quả của chi phí đầu tư cho y tế ở Việt Nam quá thấp, từ hàng chục đến hàng trăm lần so với các nước phát triển: Không đủ bệnh viện, không đủ cơ sở y tế, thiết bị, thuốc men, không thu hút được nguồn nhân lực và thiếu đào tạo. Điều này dẫn đến hiệu quả quản lý và vận hành hệ thống y tế thấp. Trong khi đó, người dân thiếu hiểu biết, kiến thức về tự bảo vệ sức khỏe do giáo dục chưa tốt. Thiếu kinh phí cho y tế dự phòng và hệ thống y tế phòng yếu kém. Kết quả là bệnh nhân đến bệnh viện nặng hơn, tốn kém hơn cho cả người dân và ngành y tế.

Chất lượng đào tạo y tế không tốt do kinh phí đào tạo thấp, thiếu thầy, thiếu trường, thiếu phương tiện… Trình độ cán bộ y tế vì thế mà bị ảnh hưởng. Thu nhập cán bộ y tế thấp, cường độ làm việc lại cao. Chất lượng dịch vụ y tế thấp. Tỉ lệ sai sót, biến chứng cao. Bên cạnh đó, đạo đức xuống cấp, tiêu cực cũng nhiều hơn trong ngành, thể hiện tình hình chung của xã hội.

Đây không hề là “đặc sản” của ngành y.

Các vấn đề trên khách quan có, chủ quan có, thể hiện những vấn đề riêng của ngành y tế trong một bối cảnh chung của xã hội đang phát triển ở Việt Nam, với nhiều vấn đề và nhiều nguyên nhân phức tạp. Nhân viên y tế có lẽ là “nạn nhân” chịu tác động nhiều hơn là những người đóng vai trò tạo ra các vấn đề này.

Vẫn còn không ít những con người yêu nghề, vương nghiệp, nỗ lực trong khó khăn, thiếu thốn vì người bệnh. Ảnh minh họa.

Trong bối cảnh khó khăn, ngổn ngang đó hãy nhìn vào sự phát triển của nhiều kỹ thuật y tế trong thời gian qua để theo kịp trình độ các nước. Hãy đến các phòng hồi sức, cấp cứu, phòng mổ của hàng trăm bệnh viện, để thấy hàng chục nghìn trường hợp bệnh nặng được cứu sống mỗi ngày. Hãy tính hàng trăm nghìn người bệnh được khám, chẩn đoán, điều trị khỏi, hồi phục và trở lại với cộng đồng để làm việc và tiếp tục đóng góp cho xã hội. Hãy đếm những đêm trực không ngủ, những ngày cuối tuần không nghỉ của hàng trăm nghìn nhân viên y tế năm này qua tháng nọ… Chừng đó đủ thấy xung quanh ta xã hội vẫn còn nhiều điều tốt đẹp, nhiều sự hy sinh. Vẫn còn không ít những con người yêu nghề, vương nghiệp, nỗ lực trong khó khăn, thiếu thốn vì người bệnh.

Tôi không hiểu tại sao lại cần thiết phải săm soi, bàn đi tán lại một số tiêu cực trong ngành y mà thật ra trong xã hội ngành nào cũng có? Tại sao cần phải “giật tít” báo nhiều lần và “kết tội” ngay cho nhân viên y tế mỗi khi sai sót biến chứng được phát hiện, mà ai cũng biết đây là những điều không thể tránh hoàn toàn trong ngành y, ngay cả ở những hệ thống y tế tiên tiến nhất. Các “nỗ lực” ồn ào trên đóng góp được bao nhiêu phần trong việc nâng cấp một hệ thống y tế ngổn ngang, nhiều bất cập, lồng trong một bối cảnh của xã hội lớn phức tạp, nhiều vấn đề vĩ mô cần giải quyết.

Tại sao lại phá hủy mối quan hệ tốt đẹp giữa thầy thuốc và người bệnh từ bao đời nay? Người bệnh làm sao hết bệnh nếu không còn tin vào thầy thuốc? Thầy thuốc làm sao tập trung học tập, nghiên cứu, tìm hiểu để chữa bệnh khi luôn hoang mang, lo sợ, không biết bao giờ bị “gọi tên”? 

Người dân lo sợ khi bị bệnh, mà mấy ai cả đời lại không một lần đi khám bệnh. Nhân viên y tế làm việc trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, mất dần niềm tin vào cộng đồng. Những điều trên chỉ góp phần tạo nên một xã hội hoang mang và mất niềm tin lẫn nhau. 

Cuối cùng, thì ai có lợi???

Mơ về một ngành y nhân văn và có tình người… dù còn nhiều khó khăn. Cần sự tham gia của cả cộng đồng!
 
BS. Hồ Mạnh Tường