Gan nhiễm mỡ – Bệnh của thời khá giả
“Ăn nhiều chất béo, đường, dùng nhiều rượu bia, lười vận động…. Đó là những yếu tố dẫn tới căn bệnh phổ biến hiện nay: Gan nhiễm mỡ”, ThS Tuấn Anh – Phó khoa Giải phẫu Gan mật, bệnh viện Việt Đức cho biết.
>> Gan nhiễm mỡ do đâu?
>> Những nguyên tắc ngừa bệnh gan nhiễm mỡ
Béo phì – Nguyên nhân chính
Nhiều tài liệu nghiên cứu đã cho thấy gan nhiễm mỡ (GNM) là tình trạng mỡ tích tụ trong các tế bào gan, làm trọng lượng gan tăng lên từ 4 – 5%.
Ngoài nguyên nhân chính là tình trạng béo phì, khiến cơ thể mắc bệnh còn có một số nguyên nhân khác gây ra căn bệnh này như: viêm gan C mãn tính, bệnh tăng mỡ trong máu, nghiện rượu, tiểu đường Typ 2…
Bên cạnh đó, việc dùng liều cao và kéo dài một số thuốc như corticoides, tétracycline, estrogen, thuốc chữa ung thư cũng làm rối loạn biến đổi mỡ trong gan, khiến gan bị nhiễm mỡ.
Người bị GNM mạn tính, mức độ nhẹ hầu như không có triệu chứng gì. Một số ít người cảm thấy hơi mệt mỏi và suy nhược, hoặc có cảm giác hơi tưng tức ở vùng dưới sườn bên phải. Vì vậy những người ở thể này chỉ phát hiện ra bệnh một cách tình cờ, sau một xét nghiệm máu thường quy thấy men gan (SGOT, SGPT) tăng hoặc sau khi được siêu âm.
Với người mắc bệnh ở mức độ vừa hay nặng thì có những biểu hiện như: chán ăn, buồn nôn, trướng bụng.
Một số người còn có biểu hiện giống như bị thiếu vitamin như: viêm đau dây thần kinh, viêm mép môi, chấm bầm ở da, sừng hóa da, móng, tóc… Những người ở thể nặng còn bị chứng vàng da, cổ trướng. Nếu không có các biện pháp điều trị, sẽ dẫn đến các biến chứng như xơ gan, ung thư gan…
Có nên làm sinh thiết ngay?
Theo ThS Tuấn Anh, việc siêu âm và chụp cắt lớp điện toán có độ nhạy khoảng 60% trong việc phát hiện tình trạng GNM. Tuy nhiên, nếu phát hiện bị GNM qua siêu âm, mọi người cũng không nên hoang mang, lo lắng bởi chỉ có xét nghiệm máu mới cho kết quả chính xác.
Siêu âm là biện pháp kiểm soát đơn giản, khá hữu hiệu nhưng chỉ có giá trị gợi ý, vì kết quả có chính xác hay không còn tùy thuộc vào kinh nghiệm của người làm siêu âm.
Việc tiến hành sinh thiết gan được chỉ định khi xuất hiện triệu chứng như các chỉ số men gan tăng kéo dài trên 6 tháng, hoặc khi thấy cần thiết cho việc chẩn đoán.
Sau khi xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh, các bác sĩ sẽ đưa ra chế độ điều trị có thể bao gồm cai nghiện rượu; ngưng dùng các thuốc có nhiều khả năng gây GNM; kiểm soát các bệnh về chuyển hóa, ví dụ bệnh tiểu đường và giảm cân với một chế độ ăn kiêng ít chất béo cho những người béo phì.
Ăn uống đối với người mắc bệnh
Ngoài việc tăng cường vận động, tránh uống rượu và thường xuyên đưa chất béo và cơ thể, người bệnh nên tuân theo nguyên tắc hấp thu nhiều năng lượng, protein, vitamin và chất xơ. Các loại thịt cá ít mỡ và các thức ăn chế biến từ đậu tương, đậu xanh, đậu đen…
Dưới đây là một số thực phẩm lý tưởng đối với người bị bệnh GNM:
Nấm hương: Đây là thực phẩm lý tưởng cho người bị GNM. Trong nấm hương có những chất làm giảm cholesterol trong máu và tế bào gan.
Ngô: Theo nghiên cứu của y học hiện đại, ngô chứa nhiều axit béo không no, có khả năng thúc đẩy quá trình chuyển hóa của chất béo và cholesterol, nó rất tốt đối với tất cả các trường hợp mắc bệnh GNM.
Trong y học cổ truyền, ngô thường được dùng cho những trường hợp tỳ vị hư yếu, chán ăn, tiểu tiện bất lợi, phù thũng, rối loạn lipid máu, thiểu năng mạch vành.
Lá chè: Kinh nghiệm dân gian cho rằng lá chè có tác dụng giải trừ các chất béo. Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy chè có khả năng làm tăng tính đàn hồi thành mạch, làm giảm cholesterol máu và phòng chống sự tích tụ mỡ trong gan.
Lá sen: Cũng có tác dụng giảm mỡ máu, giảm béo và phòng chống sự tích tụ mỡ trong tế bào gan. Được dùng dưới dạng hãm với nước sôi uống thay trà hoặc nấu cháo lá sen.
Kỳ tử: Kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy kỳ tử có tác dụng ức chế quá trình tích tụ chất mỡ trong tế bào gan, thúc đẩy sự tăng sinh tế bào gan và cải thiện chu trình chuyển hóa chất béo.
Phạm Thanh