Giải đáp về bệnh thoát vị đĩa đệm

Giải đáp về bệnh thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm là một bệnh vào loại thường gặp nhất trong số các bệnh về cột sống với tỉ lệ thoát vị đĩa đệm ở người trưởng thành là 30%. Dưới đây là phần giải đáp những thắc mắc của bạn đọc gửi về trong buổi giao lưu trực tuyến “Những căn bệnh tiềm ẩn của giới văn phòng” vừa tổ chức mới đây.

>> Rất dễ bị thoát vị đĩa đệm

>> Thoát vị đĩa đệm có phải là bệnh?

Bác sĩ Prem Pillay trả lời:

 

Tại sao lại bị thoát vị đĩa đệm?

 

Thoát vị đĩa đệm có thể do vận động quá mức hoặc có thể do đĩa đệm yếu đi theo tuổi tác. Đĩa đệm sẽ dần bị mất nước, co lại và đôi khi có thể bị rạn nứt.

 

Khi đĩa đệm bị thoát vị hoặc bị vỡ, nó sẽ chèn ép vào các dây thần kinh.Ví dụ khi bị thoát vị đĩa đệm thắt lưng, nó sẽ chèn vào dây thần kinh chạy dọc xuống 2 bên chân gây ra cảm giác đau và tê ở 2 chân, nhưng thực chất vấn đề không phải ở chân mà là ở cột sống thắt lưng.

 

Nhiều người thường dùng dầu hoặc rượu để xoa bóp ở chân, có thể có cảm giác đỡ nhưng chỉ là tạm thời vì nguyên nhân của nó là ở cột sống.

 

 

Khi bị thoát vị đĩa đệm để lâu thì gây ra hiện tượng gì?

 

Bệnh thoát vị đĩa đệm có nhiều mức độ khác nhau, có người bị nhẹ, có người bị nặng, có người bị rất nặng.

 

Nếu bệnh nhân chỉ bị thoát vị đĩa đệm nhẹ, có thể áp dụng các bài tập thể dục, phương pháp vật lý trị liệu và uống một số loại thuốc giảm đau. Nhưng khi bị thoát vị đĩa đệm thể nhẹ mà cứ để nguyên, không điều trị, bệnh này sẽ tiến triển nặng thêm, nó có thể tạo ra các cơn đau đột ngột hoặc từ từ.

 

Bị bệnh thoát vị đĩa đệm không nên để lâu vì có thể gây chèn ép vào dây thần kinh. Khi bị chèn ép bệnh nhân sẽ bị tê tay chân, đau hoặc trong trường hợp xấu nhất bệnh nhân sẽ bị liệt.

 

Vì vậy, bạn nên phát hiện sớm để điều trị khỏi bằng một số những phương pháp điều trị đơn giản như bằng thuốc và tập thể dục.

 

Thoát vị đĩa đệm gây đau đớn như thế nào?

 

Khi cột sống của bạn bị thoái, hệ thống các dây chằng giữa các đốt sống lỏng lẻo, nó có thể thoát vị (đẩy nhân nhầy bên trong ra) ra sau hoặc vào trong ống sống. Biểu hiện triệu chứng lâm sàng là bệnh nhân cảm thấy đau dọc cột sống có thể lan xuống chân hoặc chèn ép vào các dây thần kinh gây hiện tượng liệt, mất hay tăng cảm giác vận động.

 

Khoảng 90% trường hợp thoát vị cột sống xảy ra ở L4-L5 (tổn thương ở cột sống thắt lưng 4 và 5) hoặc L5-S1 (đoạn đốt sống thắt lưng 5 và xương cùng đốt sống 1), thoát vị tại những vị trí này sẽ gây ra các cơn đau mất chi phối cảm giác kiểu đuôi ngựa.

 

Sự ảnh hưởng của thoát vị đĩa đệm tới dây thần kinh L5 có thể gây ra sự suy yếu khi cử động xoè ngòn chân cái và có khả năng ảnh hưởng tới vận động cổ chân. Bệnh nhân có thể cảm thấy tê và đau ở đầu ngón chân cái và các cơn đau cũng có thể lan ra phía gan chân.

 

Sự ảnh hưởng của thoát vị đĩa đệm tới dây thần kinh S1 có thể gây ra mất phản ứng của cổ chân và/hoặc khó cử động chân (ví dụ bệnh nhân không thể cong ngón chân cái). Cảm giác tê và đau có thể lan toả xuống gan bàn chân hoặc mặt ngoài của bàn chân.

 

Bệnh thoát vị đĩa đệm chữa bằng biện pháp chiếu tia hồng ngoại hoặc mát xa bằng máy có được không?

 

Bạn cần phải hiểu được rằng dù chiếu tia hồng ngoại hay mát xa bằng máy, thì bệnh thoát vị đĩa đệm vẫn như vậy không hề biến mất. Đĩa đệm bị trượt không thể về vị trí cũ. Chỉ có tác dụng giảm đau tại các vùng đó tạm thời. Cho nên nếu bạn đứng, ngồi, làm việc đúng tư thế sẽ có lợi hơn nhiều so với việc chiếu tia hồng ngoại hay mát xa.

 

Tôi bị thoát vị đĩa đệm thì có nên phẫu thuật hay không?

 

Bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm tuỳ theo mức độ của từng người mà bác sĩ sẽ quyết định có cần tiến hành phẫu thuật hay không. Đối với thoát vị mức độ nhẹ có thể tập luyện theo các bài tập đặc biệt để đĩa đệm không thoát vị thêm. Nếu bệnh nhân đã bị thoát vị ở mức độ gây chèn ép vào dây thần kinh thì phẫu thuật là phương pháp giúp bệnh nhân giảm chèn ép và tránh các biến chứng do thoát vị gây ra.

 

Khi phẫu thuật thay đĩa đệm bằng phương pháp sử dụng đĩa đệm nhân tạo thì sau bao lâu bệnh lại tái phát và thời gian sử dụng đĩa đệm nhân tạo là bao nhiêu lâu?

 

Đĩa đệm nhân tạo được cấu tạo bằng hợp chất đặc biệt nên có thể sử dụng trong thời gian dai, có thể là 15, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Tỉ lệ tái phát đối với đĩa đệm đã thay thế là rất thấp, dưới 5%.

 

Tỉ lệ thành công của phương pháp thay đĩa đệm cột sống bằng vật liệu nhân tạo là bao nhiêu phần trăm?

 

Tỉ lệ thành công là 80 – 90 % nếu như bệnh nhân được quyết định phương pháp điều trị đúng.

 

PV ghi