Giảm bạch cầu hạt do thuốc kháng giáp trạng tổng hợp

Giảm bạch cầu hạt do thuốc kháng giáp trạng tổng hợp

Các thuốc kháng giáp trạng tổng hợp như methimazol, carbimazol hoặc propylthiouracil được dùng rất phổ biến trong điều trị các bệnh lý có cường giáp như basedow, nhân tuyến giáp… Mặc dù có hiệu quả cao trong điều trị nhưng các thuốc này có thể gây khá nhiều phản ứng phụ ở các mức độ khác nhau như nổi ban đỏ, mày đay, đau khớp, rối loạn tiêu hóa, giảm bạch cầu hạt, nhiễm độc gan, viêm mạch… Giảm bạch cầu hạt là một trong những tai biến hiếm gặp nhưng hết sức nguy hiểm, xảy ra ở khoảng 4/1.000 người

>> Thuốc chữa cường giáp PTU và tổn thương gan
 
>> Sử dụng iod phóng xạ

Các thuốc kháng giáp trạng tổng hợp như methimazol, carbimazol hoặc propylthiouracil được dùng rất phổ biến trong điều trị các bệnh lý có cường giáp như basedow, nhân tuyến giáp… Mặc dù có hiệu quả cao trong điều trị nhưng các thuốc này có thể gây khá nhiều phản ứng phụ ở các mức độ khác nhau như nổi ban đỏ, mày đay, đau khớp, rối loạn tiêu hóa, giảm bạch cầu hạt, nhiễm độc gan, viêm mạch… Giảm bạch cầu hạt là một trong những tai biến hiếm gặp nhưng hết sức nguy hiểm, xảy ra ở khoảng 4/1.000 người sử dụng với tỷ lệ tử vong là 6–20%. Ngoài các hóa chất chống ung thư, kháng giáp trạng tổng hợp là một trong những nhóm thuốc có nguy cơ cao nhất gây mất bạch cầu hạt.

Bình thường, bạch cầu hạt có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của các mầm bệnh từ bên ngoài như vi khuẩn, nấm, virut… Giảm số lượng bạch cầu hạt sẽ làm cho người bệnh có nguy cơ cao bị mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, đây cũng là nguyên nhân chủ yếu gây tử vong cho người bệnh.

Hầu hết các trường hợp mất bạch cầu hạt do thuốc kháng giáp trạng xảy ra trong vòng 90 ngày sau dùng thuốc nhưng một số ít trường hợp có thể xảy ra sau một năm hoặc hơn. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng người cao tuổi có nguy cơ giảm bạch cầu hạt do thuốc kháng giáp trạng cao hơn và tỷ lệ tử vong do tai biến này cũng lớn hơn so với người trẻ tuổi. Một điều đáng lưu ý là tai biến này có thể chỉ xảy ra ở những đợt dùng sau của thuốc mà không xảy ra ở những đợt điều trị đầu tiên.

Mất bạch cầu hạt do thuốc nói chung là một phản ứng miễn dịch, gây ra do sự xuất hiện của các kháng thể đặc hiệu với thuốc hoặc các chất chuyển hóa của chúng được gắn trên bề mặt của các bạch cầu hạt. Khi thuốc vào cơ thể kết hợp với những kháng thể này sẽ gây ra các phản ứng miễn dịch làm phá vỡ các bạch cầu hạt. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy, cũng giống như penicillin, các thuốc kháng giáp trạng có thể gây giảm bạch cầu hạt thông qua nhiều cơ chế khác nhau.

Sốt cao và đau họng là những biểu hiện sớm nhất và thường gặp nhất của giảm bạch cầu hạt. Các biểu hiện khác bao gồm viêm loét miệng, tiêu chảy, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ khớp. Nhiễm khuẩn nên được nghi ngờ và tìm kiếm nếu bệnh nhân có biểu hiện sốt, rét run, mệt lả xuất hiện trong một khoảng thời gian ngắn. Theo một số nghiên cứu gần đây, các biểu hiện nhiễm khuẩn cơ hội thường gặp nhất trong giảm bạch cầu hạt là viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn ngoài da, tai mũi họng, hậu môn trực tràng. Cũng theo những nghiên cứu này, trực khuẩn mủ xanh là mầm bệnh gặp nhiều nhất, nhiễm nấm và virut thường gặp trong những trường hợp số lượng bạch cầu hạt bị giảm nặng và kéo dài.

Tất cả những trường hợp dùng thuốc kháng giáp trạng có số lượng bạch cầu hạt trong máu ngoại vi giảm dưới 500 tế bào/mm3 cần  ngưng sử dụng thuốc ngay. Nếu số lượng bạch cầu hạt từ 1.000 đến 1.500 tế bào/mm3, người bệnh có thể tiếp tục dùng thuốc nhưng phải theo dõi chặt chẽ số lượng bạch cầu hạt trong máu ngoại vi trong thời gian dùng thuốc. Những bệnh nhân có biểu hiện sốt và nhiễm khuẩn cần được nhập viện điều trị. Điều trị các trường hợp này bao gồm 2 vấn đề cơ bản là chống nhiễm khuẩn và hỗ trợ nâng số lượng bạch cầu hạt. Lựa chọn kháng sinh trong những trường hợp có sốt hoặc có bằng chứng nhiễm khuẩn nên căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh và vị trí nhiễm khuẩn. Nếu không xác định được nguyên nhân gây bệnh chính xác, nên lựa chọn các kháng sinh phổ rộng có khả năng tiêu diệt trực khuẩn mủ xanh như ceftazidime, amikacin… Điều trị dự phòng thuốc chống nấm và thuốc diệt virut trong những trường hợp giảm bạch cầu hạt mức độ nặng giúp giảm đáng kể tỷ lệ các nhiễm trùng nặng và nguy cơ tử vong. Các thuốc kích thích sinh bạch cầu hạt như G-CSF hoặc GM – CSF cũng nên được chỉ định trong các trường hợp số lượng bạch cầu giảm nặng vì một số nghiên cứu cho thấy, các thuốc này giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục số lượng bạch cầu, rút ngắn thời gian nằm viện, giảm tỷ lệ tử vong và có khá ít tác dụng phụ. Điều cần lưu ý là các loại thuốc này đều khá đắt tiền so với thu nhập của người Việt Nam. Truyền khối bạch cầu chỉ sử dụng trong những trường hợp nặng không đáp ứng với các biện pháp điều trị khác vì phương pháp điều trị này có nhiều nguy cơ gây sốc cho người bệnh. Xét nghiệm tế bào tủy xương nên được thực hiện vì đây là xét nghiệm có giá trị trong tiên lượng bệnh. Những trường hợp có giảm nặng số lượng các tế bào tiền thân dòng tủy thường hồi phục chậm và đáp ứng kém với thuốc kích thích sinh bạch cầu hạt.

Do là một phản ứng miễn dịch nên thường có sự mẫn cảm chéo giữa các loại thuốc kháng giáp trạng. Điều này có nghĩa là nếu bệnh nhân bị giảm bạch cầu hạt do một loại thuốc kháng giáp trạng này thì cũng có thể bị phản ứng tương tự với một loại thuốc kháng giáp khác. Do đó, khi xảy ra tai biến giảm bạch cầu hạt do thuốc kháng giáp, nên dùng các phương pháp điều trị thay thế như phẫu thuật, xạ trị thay vì tiếp tục điều trị với một loại thuốc kháng giáp trạng khác.

Để phát hiện sớm và ngăn ngừa các biến chứng nặng do mất bạch cầu hạt, tất cả các bệnh nhân có dùng thuốc kháng giáp cần lưu ý ngưng sử dụng thuốc và liên hệ ngay với thầy thuốc nếu có biểu hiện sốt và đau họng. Để hạn chế nguy cơ các nhiễm trùng cơ hội, những người bị giảm số lượng bạch cầu hạt cũng cần giữ vệ sinh ở những vùng có nguy cơ nhiễm trùng cao như da, miệng họng, hậu môn trực tràng.

Tác giả: BS. Trương Thị Như Ý
Nguồn: Báo sức khỏe & Đời sống