Hoa mắt chóng mặt

Hoa mắt chóng mặt

Có đôi khi bạn bỗng thấy mình có triệu chứng choáng váng, hoa mắt chóng mặt khi đang đi trên đường, đang làm việc, hay thay đổi tư thế một cách đột ngột….Nhiều người thường chủ quan bỏ qua những triệu chứng này. Tuy nhiên, thực chất triệu chứng hoa mắt chóng mắt có liên quan, bắt nguồn từ nhiều bệnh khác nhau thậm chí một số bệnh khá nguy hiểm.

Hoa mắt chóng mặt

Chóng mặt là một ảo giác, bệnh nhân có cảm giác môi trường chung quanh xoay tròn hoặc bản thân người bệnh xoay tròn. Chóng mặt nặng thường kèm theo nôn ói và có thể té khi đi.

Vậy nguyên nhân gây ra triệu chứng HMCM là gì?  

Hoa mắt chóng mặt là triệu chứng của rất nhiều bệnh, không chỉ có người già, trung niên mà thanh niên hiện nay cũng gặp phải hiện tượng này rất nhiều.
Có 2 nhóm nguyên nhân chính gây nên triệu chứng hoa mắt chóng mặt:
1. Nhóm do bệnh về máu và tim mạch (như thiếu máu não, bệnh tim mạch, suy tủy, loạn nhịp tim nhanh, huyết áp cao, huyết áp thấp, suy tim nặng…..).
2. Nhóm do bệnh thần kinh: Rối loạn tuần hoàn não, động kinh, u não….( bệnh không tổn thương hệ thống tiền đình), viêm tai giữa cấp, viêm tai xương chủm mãn tính, u dây thần kinh số 8, xuất huyết não… (bệnh do tổn thương hệ thống tiền đình) nhóm này ngoài các triệu chứng hoa mắt chóng mặt còn có các triệu chứng khác như ù tai, rung giật nhãn cầu.

Điều trị chóng mặt

Trước một bệnh nhân chóng mặt, ta cần phải chẩn đoán nguyên nhân nếu có thể được, bằng không tiến hành điều trị triệu chứng là chính. Trong khi điều trị triệu chứng, chờ cho bệnh nhân đỡ chóng mặt thì tiến hành khám tỉ mỉ, nhiều khi phải phối hợp các chuyên khoa nội, thần kinh, mắt, tai mũi họng và các thăm dò cận lâm sàng khác để chẩn đoán chính xác nguyên nhân, từ đó điều trị tận gốc. Có 3 nhóm thuốc chính thường dùng điều trị chóng mặt, nên dùng thuốc riêng rẽ để hiểu rõ tác dụng phụ của từng loại.

– Nhóm kháng histamin: Ngăn chặn kích thích cơ quan tiền đình ngoại vi và trung ương, điển hình là stugeron, papaverin, phenothiamin.

– Nhóm kháng tiết cholin: kiềm chế kích động tiền đình điển hình là scopalamin.

– Nhóm an thần: chủ yếu làm dịu, có tác dụng cả trung ương và ngoại vi. Thuốc hay dùng là seduxen (diazepam), chống nôn bằng phenothiamin.

Hướng điều trị không dùng thuốc tập trung vào cách vận động làm tăng khả năng bù trừ của não. Đặc biệt khi không thường xuyên có cơn chóng mặt kèm các dấu hiệu nhức nửa đầu hay cả đầu, tê yếu tay chân, mắt và đặc biệt là mất nhận thức về thời gian và không gian, mất định hướng và khả năng nhận thức. Khi đó cần đưa bệnh nhân đi khám ngay tại cơ sở y tế.

Phòng ngừa

– Chóng mặt có thể phòng ngừa bằng luyện tập thích nghi cho hệ thống giữ thăng bằng của cơ thể khi bệnh nhân ở giai đoạn ổn định hay chóng mặt nhẹ.

– Người cao tuổi bị chóng mặt cần hạn chế độ cao, tránh thay đổi tư thế đột ngột vì dễ té ngã gây chấn thương.

Tóm lại hoa mắt chóng mặt có thể là biểu hiện sâu xa của nhiều căn bệnh khác nhau, thậm chí gây hại đến sức khỏe và tính mạng bệnh nhân. Người bệnh cần khám sức khỏe để tìm ra chính xác nguyên nhân và điều trị cho đúng.

D.S Nguyễn Thị Hồng