Huyết áp là sức đẩy của dòng máu tác động lên thành động mạch nhằm đưa máu đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể, mỗi khi tim đập là lúc huyết áp cao nhất và gọi là huyết áp tâm thu. Khi tim nghỉ, khoảng thời gian giữa 2 lần tim đập thì huyết áp giảm đi, đó là huyết áp tâm trương. Một người được gọi là có huyết áp thấp khi chỉ số huyết áp đo được thấp hơn 90mmHg/60mmHg; hoặc giảm hơn 20mmHg so với trị số huyết áp bình thường trước đó.
>> Thuốc lợi tiểu có thể làm tụt huyết áp và rối loạn nhịp tim
>> Hạ huyết áp tư thế đứng
Những triệu chứng thường thấy ở người bị huyết áp thấp là:
– Mệt mỏi, lả, rất muốn được nghỉ ngơi, hoa mắt chóng mặt.
– Khó tập trung và dễ nổi cáu, có cảm giác buồn nôn.
– Da nhăn và khô, kèm theo rụng tóc.
– Vã mồ hôi nhưng vẫn cảm thấy lạnh.
– Thở dốc, nói như hụt hơi nhất là sau khi leo lên cầu thang hay làm việc nặng, khi thay đổi tư thế có thể choáng váng, xây xẩm mặt mày…
Có nhiều nguyên nhân gây nên bệnh huyết áp thấp. Đó có thể do sự suy giảm chức năng của các cơ quan như tâm, thận, tỳ dương, hoặc do hệ thống thần kinh tự động của cơ thể không tự điều chỉnh được dẫn đến tụt huyết áp tư thế.
Nhiều người lo sợ về tình trạng huyết áp cao, nhưng ít ai biết rằng huyết áp thấp cũng rất nguy hiểm. Các bác sĩ tim mạch khuyến cáo, bất kỳ sự tăng – giảm huyết áp nào so với mức bình thường cũng đều mang đến những nguy cơ xấu đối với sức khỏe của con người.
Ngoài ra, huyết áp thấp cũng có thể do yếu tố di truyền ở những người có thể trạng yếu, hoặc người mắc một số bệnh huyết học kèm theo như viêm loét dạ dày tá tràng, viêm đại tràng mạn tính, lao… Nếu so sánh với bệnh huyết áp cao, huyết áp thấp trước mắt không dẫn đến biến chứng như tai biến mạch máu não, nghẹn tắc cơ tim… nên nhiều người rất chủ quan với căn bệnh này. Tuy nhiên, ít người biết được rằng huyết áp thấp cũng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm không kém.
Khi bệnh nhân bị tụt huyết áp nhiều lần, hệ thống thần kinh bị suy giảm chức năng, cơ thể không tự kịp điều chỉnh để cung cấp đủ dinh dưỡng và oxy cho các cơ quan có chức năng sống còn như não, tim, thận gây tổn thương các cơ quan này.
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh huyết áp thấp có thể dẫn đến tình trạng đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy thận… thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Nhiều trường hợp huyết áp thấp có thể dẫn tới tai biến mạch máu não, trong đó phần lớn là nhồi máu não, tỷ lệ này chiếm khoảng 30%.
Ngoài ra, người bị tụt huyết áp cấp có thể gây sốc, đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng trong những trường hợp như đang lái xe, làm việc trên tầng cao… Nếu huyết áp thấp kéo dài, còn làm cho các cơ quan thận, gan, tim, phổi suy yếu nhanh chóng.
Người bị huyết áp thấp nên tuân thủ theo chế độ sinh hoạt và ăn uống như sau:
– Nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi và ăn uống điều độ, không nên bỏ bữa, vì nhịn đói sẽ gây tụt huyết áp do hạ đường huyết.
– Ăn mặn hơn người bình thường (10-15g muối/ngày).
– Tập thể dục nhẹ nhàng và đều đặn như đi bộ, thể dục dưỡng sinh, Yoga…
– Ngủ đủ giấc, tránh làm việc căng thẳng và lưu ý nên dùng ngay một tách càphê, trà đường nóng, dùng gừng, nhân sâm, hay các thuốc bổ tổng hợp Vitamin khi bị tụt huyết áp…
– Đi lại từ tốn, uống nhiều nước, giảm uống rượu, ăn đủ chất gồm hạt toàn phần, rau quả, thịt nạc, ăn nhiều bữa trong ngày, hạn chế bột và đường.
Các bác sĩ tim mạch khuyến cáo, huyết áp cao và huyết áp thấp đều nguy hiểm đến tính mạng nếu như không được phòng tránh và chữa trị kịp thời. Chính vì thế, chúng ta cần phải chú trọng khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh huyết áp thấp, đặc biệt cho thai phụ, học sinh, người lao động… nhằm phòng tránh hậu quả đáng tiếc.
Tác giả : Kim Hải
Số điện thoại tư vấn: 043.995.3167