Các nhà khoa học Anh vừa phát hiện ra 2 phân tử đặc biệt có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của ruột ở bào thai. Phát hiện có thể dẫn đến những liệu pháp điều trị hiệu quả chứng phình đại tràng – một rối loạn tiêu hóa thường gặp ở trẻ sơ sinh.
>> Trị bệnh viêm đại tràng do amip – Thuốc gì?
>> Thận trọng khi dùng loperamid trị tiêu chảy
Nguyên nhân gây phình đại tràng, hay còn gọi là bệnh Hirschsprung, là do sự thiếu vắng các tế bào thần kinh trên một đoạn ruột. Hậu quả là đoạn ruột đó không thể co giãn hoặc nhu động bình thường, gây cản trở quá trình tiêu hóa và tích tụ thức ăn ở đại tràng, làm sưng tấy và đau bụng và táo bón nghiêm trọng.
Nhóm khoa học thuộc Hội đồng nghiên cứu y học Anh (MRC), dẫn đầu là giáo sư Vassilis Pachnis, đã nhận dạng được 2 phân tử chủ chốt kiểm soát sự di trú của một số tế bào thần kinh từ não tới ruột ở bào thai. Sự di trú này cực kỳ quan trọng đối với quá trình hình thành một nhánh thần kinh độc lập, kiểm soát sự co bóp (hay còn gọi là nhu động) của ruột. Nếu ruột không nhu động, thức ăn sẽ không thể lưu thông trong hệ tiêu hóa, dẫn đến tắc nghẽn.
Giáo sư Pachnis khẳng định việc sửa chữa khuyết điểm của 2 phân tử trên có thể đảm bảo việc hình thành một mạng thần kinh hoàn thiện trên toàn bộ chiều dài của ruột. Hiện nghiên cứu của ông còn chờ sự hỗ trợ của công nghệ tế bào gốc, nhằm xây dựng một phương pháp điều trị chứng rối loạn chức năng ruột ở trẻ sơ sinh hiệu quả.
Mỹ Linh (theo BBC)