Iod ngừa phóng xạ như thế nào?

Iod ngừa phóng xạ như thế nào?

Hiện nay, ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, người dân đang đổ xô mua và dự trữ muối ăn và thuốc muối iode, với hy vọng dùng lượng iode trong  các loại muối này làm thuốc phòng chống tia xạ, ung thư do không khí, nước biển đã bị nhiễm xạ từ sự cố nhà máy điện nguyên tử Fukushima Daiichi, Nhật Bản.

 

Mới tháng trước, diêm dân ở Quảng Ngãi, Phú Yên… đang “kêu trời” vì muối chất đống đầy cả đồng với giá chỉ có 300 đồng một ký, nhưng chẳng có ai mua; nay thương lái đến vét sạch với giá gấp ba lần, 850 đồng một ký, giá cao nhất trong ba năm trở lại đây. Tâm lý sợ thiếu đã khiến nhiều bà nội trợ “tha về” nhà cả chục cân muối để dự trữ, trong khi nhu cầu muối ăn cơ thể con người cần chỉ và chục gam muối mỗi ngày. Cầu tăng vọt đột xuất, cung đã không theo kịp và giá muối leo thang..

 

* Vai trò của iode trong cơ thể con người

Iode là chất vi lượng vô cùng quan trọng, nó là thành phần chính của hóc môn tuyến giáp, T3, T4 và các chất liên quan. Thiếu iode, các hóc môn tuyến giáp không thể tổng hợp được, chúng ta sẽ bị suy giáp với nhiều hậu quả nghiêm trọng vì tuyến giáp là tuyến nội tiết quan trọng bậc nhất, có ảnh hưởng lên tất cả nhiều tế bào, mô, cơ quan và chức năng trong cơ thể.

 

* Muối iode chống nhiễm xạ như thế nào?

Cơ quan duy nhất trong cơ thể người cần iode là tuyến giáp, đến 99,8% iode đưa vào cơ thể, ăn uống, được hấp thu và sử dụng tại tuyến nội tiết này. Khoa Y học hạt nhân đã áp dụng tính chất này để xạ trị cho các bệnh nhân bướu giáp độc Basedow: cho một liều Iode “phóng xạ” ( radio-active iodine, I 131) thích hợp vào cơ thể, Iode phóng xạ này cũng được tuyến giáp bắt giữ hết vào trong tế bào tuyến giáp, ở đây các tia phóng xạ phát ra sẽ tiêu diệt các tế bào “bướu giáp độc” và căn bệnh sẽ lui.

 

Động đất và sóng thần đã gây ra sự cố ở nhiều lò phản ứng nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, làm phát tán ra không khí, nước biển các chất phóng xạ như  I 131 , Cs 134  và Cs 137  …. Chất iode phóng xạ I 131  nếu vào cơ thể người cũng được hẩp thu hết vào tuyến giáp và gây độc, như khi ta cho điều trị I 131  bị “quá liều” .

Ion iode (I -) được vận chuyển “chủ động” qua màng tế bào tuyến giáp nhờ một protein đặc biệt Na/I symporter, cho phép nồng độ nội bào cao gấp cả trăm lần ngoại bào. Sự bắt giữ iode này bị cản trở bởi một số chất như perchlorate, thiocyanate…. và cũng sẽ bị “bão hoà” với chính một lượng quá lớn muối iode. Với việc cho dùng trước một lượng lớn muối iode (iodur kali, IK) hay muối ăn có chứa iode, người ta hy vọng sẽ “bão hoà” và ngăn cản bớt sự hấp thụ chất iode phóng xạ I 131  độc hại phát tán trong môi trường.    

 

* Thừa iode có nguy hiểm hay không?

Nhu cầu iode hằng ngày cho người trưởng thành chỉ 150 microgam ( μg) mỗi ngày, lượng iode này cân bằng giữa đem vào và thải ra, bilan iode cân bằng. Chỉ một mẫu nước tiểu, nhiều labo xét nghiệm sẽ đánh giá được bilan iode cho cá nhân và cộng đồng.

Ăn uống thiếu iode sẽ bị bệnh, nhẹ sẽ bị bướu giáp đơn thuần hay địa phương, nặng có thể bị bệnh đần độn (cretinism)..

Nhưng iode cũng là con dao hai lưỡi, dùng thừa iode, đặc biệt khi “ráng” uống cho thật nhiều để ngừa nhiễm xạ như một số suy nghĩ hiện nay, chắc chắn chúng ta sẽ bị bệnh “cường giáp độc do iode”, bệnh IodeBasedow, bệnh này cũng không kém phần nguy hiểm !!!.    

 

* Thái độ đúng đắn nhất

Thuốc, kể cả thực phẩm thuốc phải có chỉ định, chống chỉ định, liều lượng dùng, liệu trình dài ngắn … Dùng thuốc không đúng nhiều lúc còn nguy hiểm hơn cả không dùng.

Tốt nhất là nên tư vấn những chuyên gia y tế, môi trường, hạt nhân để hiểu rõ công dụng và cách dùng. Tuyệt đối không dùng theo suy đoán.