Không nên chữa cận thị bằng phương pháp lasik cho trẻ
Đây là một phương pháp tuyệt vời cho rất nhiều người nhưng không phải cho tất cả, đặc biệt là người dưới 18 tuổi.
>> Hỏng mắt vì đua theo mốt kính áp tròng thời trang
>> Biểu hiện của bệnh cận thị
Báo GĐ&XH thời gian qua nhận được nhiều câu hỏi của độc giả về vấn đề phẫu thuật mắt bằng phương pháp sử dụng tia laser để tạo hình lại giác mạc (lasik) cho trẻ bị cận thị.
Phải có độ khúc xạ ổn định
Theo BS Nguyễn Thành Thái, Giám đốc BV Mắt Sài Gòn – Hà Nội, chữa cận thị phương pháp lasik là sử dụng tia laser để tạo hình lại giác mạc nhằm điều trị tật khúc xạ, giúp người bệnh nhìn rõ mà không phải đeo kính. Đây là phương pháp phẫu thuật hiện đại, đang được sử dụng nhiều tại các nước phát triển trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Pháp.
Phương pháp này là có thể điều trị được cho cả bệnh cận thị, loạn thị, viễn thị. Những người trên 40 tuổi thường bị lão thị cũng có thể sử dụng phương pháp này.
Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân cần được nhắm mắt nghỉ ngơi trong vòng vài giờ đầu mà không cần phải kiêng khem trong vấn đề ăn uống. Đeo kính bảo vệ mắt 24/24, kể cả khi ngủ trong vòng 3 ngày đầu. Bệnh nhân chỉ cần tuân thủ các khâu vệ sinh theo hướng dẫn của bác sĩ như rửa sạch tay trước khi nhỏ thuốc, nhỏ thuốc theo đơn của bác sĩ…
Vài tuần đầu sau phẫu thuật cần hết sức tránh để nước bẩn, bụi, khói bay vào mắt. Cho mắt làm quen dần với tivi, máy tính ngay trong những ngày đầu sau mổ, song hạn chế xem ti vi và máy tính trong vòng 1 đến 2 tuần đầu. Tuy đang mùa lễ hội và sắp tới là mùa nghỉ mát, nhưng nếu xác định phẫu thuật lasik thì bệnh nhân không được đi bơi trong tháng đầu tiên.
Tuy nhiên, cũng theo BS Nguyễn Thành Thái, chỉ nên phẫu thuật khi bệnh nhân trên 18 tuổi và phải có độ khúc xạ ổn định. Ngoài những yêu cầu trên, để phẫu thuật đem lại hiệu quả thì chỉ nên phẫu thuật khi cận dưới 10 độ, loạn dưới 5 độ và không có các bệnh cấp hoặc mạn tính tại mắt như: Viêm kết mạc, viêm giác mạc, viêm màng bồ đào, glôcôm, giác mạc hình nón… và không có bệnh lý toàn thân ảnh hưởng đến phẫu thuật.
Những người có đồng tử quá rộng cũng không nên chữa cận thị bằng lasik vì tia laser sử dụng trong kỹ thuật này không được thiết kế cho những đồng tử rộng. Nếu cố phẫu thuật sẽ hay bị rắc rối như nhìn thấy quầng sáng sau khi mổ, đặc biệt là ở những nơi thiếu ánh sáng hoặc về đêm.
Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú không nên sử dụng phương pháp này. Trong trường hợp bệnh nhân chỉ cận nhẹ 1-2 độ, không bị lệ thuộc kính thì không cần phải mổ.
13 triệu/1 ca phẫu thuật
Chữa tật khúc xạ mắt có ưu điểm là độ an toàn cao, chính xác, không làm bệnh nhân bị đau hay chảy máu, cũng không phải uống thuốc kháng sinh hay gây tê. Thời gian phẫu thuật rất ngắn, chỉ từ 5-10 phút. Chi phí cho một ca phẫu thuật là 13 triệu đồng (chưa bao gồm tiền thuốc – khoảng 300.000 đồng).
Những bệnh nhân ở gần, khi vào viện sẽ được kiểm tra đo các thông số kỹ thuật của mắt và hẹn mổ (thường sớm nhất là vào ngày hôm sau). Sau hậu phẫu là có thể ra viện về nhà. Còn những bệnh nhân ở xa về, các bác sĩ thường sắp xếp để phẫu thuật trong ngày nhằm giảm chi phí và thời gian.
Hiện nay, phương pháp phẫu thuật lasik ngày càng trở nên phổ biến. Ở Mỹ có đến 90% trường hợp bị tật khúc xạ được phẫu thuật bằng phương pháp này. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có nhược điểm là không thể điều trị cho những trường hợp bị cận thị, loạn thị quá cao, hoặc bệnh nhân bị nhiều bệnh lý phối hợp.