Loạn dưỡng xương do suy thận

Loạn dưỡng xương do suy thận

Loạn dưỡng xương do suy thận là các bệnh về xương xuất hiện khi bị suy thận. Thận suy không đảm bảo giữ đủ canxi và phốt pho trong máu dẫn tới loạn dưỡng xương. Trên 90% bệnh nhân suy thận phải lọc máu bị mắc bệnh.

>> Đái tháo đường có gây loãng xương?

>> Mỗi ngày cơ thể cần bao nhiêu canxi?

“Kẻ phá hoại thầm lặng” 

 

 Chân vòng kiềng – biến dạng điển hình trong bệnh còi xương do suy thận.

Đối với trẻ em, loạn dưỡng xương do suy thận đặc biệt nguy hiểm do xương của trẻ vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Bệnh làm xương phát triển chậm đi và gây biến dạng xương, trong đó biến dạng dễ nhận thấy nhất là chân vòng kiềng hoặc chéo chữ x, biến dạng này thường được gọi là chứng còi xương do suy thận. Một hậu quả nặng nề  nữa của bệnh này là trẻ bị kém phát triển chiều cao, đây là biểu hiện thường thấy ở trẻ đang lớn bị bệnh thận. 

Ở người lớn bị suy thận, những biến đổi do chứng loạn dưỡng xương có thể bắt đầu từ rất nhiều năm trước khi triệu chứng đầu tiên xuất hiện. Do đó, loạn dưỡng xương do suy thận được gọi là “kẻ phá hoại thầm lặng”. Những triệu chứng loạn dưỡng xương do suy thận thường không xuất hiện ngay mà chỉ thấy sau nhiều năm bệnh nhân phải lọc máu. Đối với bệnh nhân lớn tuổi hoặc phụ nữ ở giai đoạn mãn kinh có nguy cơ cao bị mắc bệnh này, do họ có thể bị loãng xương ngay cả khi không bị suy thận. Nếu không phát hiện ra bệnh và không chữa trị, xương sẽ dần trở nên mảnh và yếu, bệnh nhân bị chứng loạn dưỡng xương có thể bắt đầu thấy đau xương hoặc khớp có khi bị gãy xương chỉ sau một chấn thương nhẹ. 

Xương bị loạn dưỡng như thế nào?

 

Dấu hiệu bị loạn dưỡng xương

Một người bị loạn dưỡng xương sẽ có các dấu hiệu như: đau cột sống (vì loãng xương ở chi thường không đau), biến dạng cột sống, gãy xương. Đau cột sống cấp tính thường xảy ra sau khi gắng sức nhẹ, ngã hay một động tác sai. Biến dạng cột sống thường thấy lưng còng, vẹo cột sống. Ở người cao tuổi chỉ do ngã nhẹ cũng dễ bị gãy xương tay, chân do loãng xương. Chụp Xquang thấy hình ảnh loãng xương. Đối với người không bị gãy xương mà nghi là bị loãng xương thì xác định bằng phương pháp đo tỉ trọng của xương (bone density). Để xác định bệnh loạn dưỡng xương do suy thận, có thể để đo nồng độ canxi, phốt pho, PTH và calcitriol trong máu.

Đối với mọi người khoẻ mạnh bình thường, các mô xương luôn luôn được bổ sung các chất canxi và phốt pho, giữ cho xương chắc khỏe. Một trong các chức năng của thận là cân bằng lượng canxi và phốt pho trong máu, vì vậy thận đóng một vai trò quan trọng trong việc giữ xương chắc khoẻ cũng như cấu trúc xương bình thường. Canxi có trong nhiều loại thực phẩm, nhất là trong sữa và các chế phẩm từ sữa. Trường hợp nồng độ canxi trong máu quá thấp, khi đó các tuyến cận giáp sẽ tiết ra  một chất nội tiết là PTH. Chất nội tiết này có tác dụng rút canxi từ trong xương để nâng nồng độ canxi trong máu lên. Càng nhiều PTH được tiết ra trong máu thì canxi từ trong xương sẽ bị lấy đi càng nhiều. Nếu quá trình này diễn ra trong thời gian dài thì lượng canxi bị lấy đi từ xương càng nhiều, hậu quả là xương sẽ bị thưa, loãng, rất yếu và dễ bị gãy. Phốt pho cũng là một khoáng chất có trong nhiều loại thực phẩm, phốt pho có vai trò giúp điều hoà đậm độ canxi trong xương. Khi thận khoẻ mạnh, hoạt động bình thường sẽ có chức năng loại bỏ số phốt pho dư thừa trong máu. Trái lại, khi thận đã bị suy, nồng độ phốt pho trong máu sẽ tăng cao, làm cho nồng độ canxi trong máu bị giảm đi, dẫn đến quá trình canxi trong xương bị lấy bớt đi để đưa vào máu.

Khi thận khoẻ mạnh sẽ sản xuất ra calcitriol, một dạng của vitamin D, giúp cơ thể hấp thu được canxi từ thức ăn vào máu và xương. Lúc thận bị suy, không còn sản xuất đủ lượng calcitriol và vì thế cơ thể cũng hấp thu kém lượng canxi từ thức ăn vào máu.  Nếu mức calcitriol giảm thấp, PTH sẽ tăng cao và canxi lại bị rút bớt từ xương ra. Như vậy, calcitriol và PTH có vai trò phối hợp giữ nồng độ canxi cân bằng và giúp cho xương chắc khoẻ. Ở bệnh nhân suy thận, do thận không tạo ra calcitriol đầy đủ, cơ thể không hấp thu được canxi từ thức ăn nên canxi bị lấy ra từ trong xương làm cho xương ngày càng thưa, loãng.

Chữa trị và phòng bệnh

Biện pháp quan trọng là kiểm soát nồng độ PTH để ngăn chặn việc rút canxi từ xương. Việc kiểm soát hoạt động của tuyến giáp thường bằng cách thay đổi thực đơn ăn kiêng, các chỉ số lọc máu hoặc dùng thuốc. Trường hợp không kiểm soát được nồng độ PTH thì phải phẫu thuật để loại bỏ tuyến cận giáp. Nếu thận không tạo đủ nồng độ calcitriol, có thể cho bệnh nhân dùng thuốc calcitriol tổng hợp dạng uống hoặc tiêm. Cùng với việc dùng calcitriol, bệnh nhân có thể dùng bổ sung thêm canxi… Một phác đồ điều trị tốt bao gồm chế độ lọc máu đầy đủ, ăn kiêng và dùng thuốc, như vậy có thể giúp cơ thể phục hồi được những chỗ xương bị tổn thương do chứng loạn dưỡng xương vì suy thận.

Để phòng bệnh và hạn chế bệnh tiến triển nặng, bệnh nhân cần áp dụng các biện pháp sau: cải thiện bệnh loạn dưỡng xương do suy thận bằng chế độ ăn kiêng, bệnh nhân nên tránh các loại thực phẩm chứa nhiều phốt pho như: sữa, pho mát, đậu, lạc và hạn chế dùng coca, rượu, bia. Luyện tập thể dục thường xuyên, vừa sức cũng giúp xương chắc khoẻ hơn vì các xương chịu tác dụng của lực khi vận động thường phản ứng lại bằng cách tăng cường phát triển xương.

BS . Trần Tất Thắng