Mắc bệnh lậu lại tưởng bị viêm họng

Mắc bệnh lậu lại tưởng bị viêm họng

Đau, rát họng mấy ngày không khỏi, Hoa (22 tuổi, Hà Nội) mới đi khám và được chẩn đoán viêm họng. Nhưng đổi đến 2 lần thuốc, bệnh vẫn không khỏi, chỉ đến khi làm xét nghiệm, bác sĩ mới phát hiện hóa ra cô mắc bệnh lậu.

>> Không nên chủ quan với bệnh lậu

>> Lây bệnh lậu từ mẹ, bé 2 tháng tuổi bị mù mắt
 

Đi khám chuyên khoa tai mũi họng, bác sĩ soi thấy họng cô bị sưng, đỏ, hai lỗ amidan thì mưng mủ nên chẩn đoán nhầm bệnh cho Hoa là viêm họng. Vì thế, suốt mấy tuần điều trị, uống hết kháng sinh này đến kháng sinh khác, cô vẫn không thấy đỡ. Đến khi làm xét nghiệm, cô mới ngã ngửa vì mình mắc bệnh lậu nhưng ở miệng do quan hệ tình dục theo ngả này.

“Cứ tưởng đau họng thì chắc chắn chỉ có thể do viêm họng, ai dè lại còn mắc bệnh kia. Mình cũng chả bao giờ nghĩ đến chuyện mắc lậu mà bệnh lại biểu hiện ở họng cả”, Hoa buồn bã nói.

Những trường hợp mắc lậu nhưng bị chẩn đoán nhầm thành viêm họng như Hoa không phải là hiếm gặp. Lý do vì rất ít người, thậm chí là bác sĩ nghĩ đến bệnh lậu khi thấy họng sưng đỏ, mưng mủ, trừ khi làm xét nghiệm, bác sĩ Nguyễn Thành, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu trung ương (Hà Nội) cho biết.

“Trong các bệnh lây qua đường tình dục thì lậu là bệnh có tỷ lệ lây lan mạnh nhất. Mỗi tháng, bệnh viện tiếp nhận 10-20 bệnh nhân. Đặc biệt, trong thời gian gần đây vi khuẩn lậu lây truyền qua đường miệng có xu hướng gia tăng”, bác sĩ Thành nói.

Bên cạnh đó, một thực trạng đáng báo động là vì ngại đi khám, nhiều người bệnh đã tự ý mua thuốc về điều trị theo mách nhau. Hậu quả là nhiều trường hợp đã bị kháng thuốc.

Kết quả nghiên cứu của Bệnh viện Da liễu Trung ương (2005-2010) cho thấy, vi khuẩn lậu đã kháng với nhiều loại kháng sinh. Chẳng hạn, tỷ lệ kháng với ciprofloxacin là 100%, penicillin là gần 76%, tetracyline là hơn 46%…

Tiến sĩ Lê Văn Hưng, Phó trưởng khoa xét nghiệm, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, thuốc điều trị bệnh lậu ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là ceftriaxone. Đây là kháng sinh thế hệ thứ 3 của cephalosporin – đang được một số nước trên thế giới cảnh báo về tình trạng kháng thuốc do một chủng lậu mới.

Bệnh nhân bị lậu cấp tính chỉ cần tiêm một liều ceftriaxone 250mg có giá 60.000 đồng một lọ. Tuy nhiên, thực tế các hiệu thuốc lại chủ yếu bán loại liều 1g, có giá cao gấp 5 lần.

“Nếu tình trạng tự ý dùng kháng sinh này không được cải thiện thì sớm hay muộn vi khuẩn lậu cũng kháng với thuốc ceftriaxone, thậm chí là xuất hiện chủng khuẩn mới kháng thuốc”, tiến sĩ Hưng cảnh báo.

Các chuyên gia khuyến cáo, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, trong đó có lậu, chủ yếu lây truyền qua những chỗ bị xây xước. Vì thế, dù quan hệ bằng đường âm đạo hay đường miệng thì đều có nguy cơ mắc bệnh như nhau. Nam giới khi thấy dương vật bị sưng, có mủ, đái buốt hoặc chị em thấy ra khí hư bất thường hoặc đau họng (trước đó từng quan hệ bằng đường miệng) thì nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, tránh tình trạng kháng thuốc.

Phương Trang

* Tên nhân vật đã được thay đổi.