Mất ngủ ở người trẻ tuổi

Mất ngủ ở người trẻ tuổi

Câu hỏi:  

Hiện nay em đang là sinh viên đại học nhưng em thường bị khó ngủ, ngủ không say và thường thức dậy sớm. Hiện tượng này khiến em cảm thấy ban ngày rất mệt mỏi, không tập trung nghe giảng. Em rất lo lắng, xin bác sĩ cho em lời khuyên để khắc phục hiện tượng này?

Hoàng Thu Hà (Ninh Bình)

Trả lời:

Khó ngủ là một biểu hiện thường gặp ở khá đông bệnh nhân, tuy nhiên, không phải họ đi khám vì khó ngủ mà vì một bệnh khác.

Khó ngủ có thể phân chia thành khó ngủ cấp tính và khó ngủ kinh niên. Những người bị khó ngủ cấp tính thường do cảm xúc hay cơ thể thấy căng thẳng, khó chịu hoặc mắc bệnh về tim mạch, dị ứng, đái tháo đường… Đôi khi do môi trường phòng ngủ không thoải mái, ồn ào, nhiều ánh sáng, quá nóng hoặc quá lạnh cũng khiến người bệnh thấy khó ngủ. Khó ngủ kinh niên có nhiều nguyên nhân nhưng phần lớn là do mắc bệnh lý nào đó. Trong đó, có đến một nửa số bệnh nhân bị khó ngủ liên quan đến bệnh lý tâm thần. Hiện tại bạn đang là sinh viên, nếu phải thức khuya dậy sớm học thì thường xuyên cũng có thể quen với giờ giấc thức ngủ này nên để tránh khó ngủ lúc bình thường, bạn nên luyện tập thói quen đi ngủ và thức dậy đúng giờ, tập thể dục đều đặn mỗi ngày, tránh ánh sáng vào phòng ngủ, đảm bảo môi trường phòng ngủ yên tĩnh, giường ngủ thoải mái, dễ chịu. Có một số điều bạn cần chú ý, không nên đi ngủ ngay sau khi vừa tập thể dục, không nên xem phim kích động trước khi ngủ, không nên sử dụng chất kích thích như rượu, bia hay cafein trước khi ngủ. Nếu không ngủ được trong vòng nửa tiếng sau khi lên giường, bạn nên từ từ trở dậy, làm một việc gì đó nhẹ nhàng rồi trở lại giường ngủ tiếp. Có thể bạn phải làm việc này nhiều lần cho đến khi ngủ lại được. Nếu bị khó ngủ liên tục vài đêm liền, bạn nên đến gặp bác sĩ chứ không nên tự ý mua thuốc ngủ để uống.

BS. Hoàng Hải Nam

Số điện thoại tư vấn: 043.995.3167

>> Giải pháp cho mất ngủ do thiểu năng tuần hoàn não

>> Cách điều trị mất ngủ đơn giản