Tăng năng tuyến giáp là bệnh nội tiết thường gặp, do tuyến giáp bài tiết thyroxin quá nhiều gây ra, với triệu chứng lâm sàng điển hình bồn chồn, tim đập nhanh, thèm ăn, sợ nóng ra mồ hôi, sụt cân, ngón tay run rẩy, mắt lồi… Nam nữ thanh niên, trung niên mắc bệnh nhiều hơn. Còn gọi là bướu cổ Basedow.
Thịt heo nấu hạ khô thảo
Món ăn tốt cho người bị bướu cổ
Vật liệu:
– Hạ khô thảo (20g): tính mát, vị đắng, cay. Công năng thanh can hỏa, tán uất kết. Nghiên cứu hiện đại cho thấy, hạ khô thảo chứa acid capheic, alkaloid và muối tan…, có tác dụng giảm áp và chống loạn nhịp tim.
– Thịt heo nạc (100g): tính bình, vị ngọt, mặn. Công năng tư âm, nhuận táo, ích khí. Thịt heo có tác dụng bổ sung dinh dưỡng, chứa nhiều đạm tốt, chất béo phong phú, vitamin nhóm B và nguyên tố vi lượng đủ và cân bằng.
Chế biến: thịt heo nạc rửa sạch, thái chỉ. Hạ khô thảo rửa sạch, dùng vải bọc lại, sử dụng sau. Ớt chuông đỏ, xanh cùng rửa sạch, thái sợi, sử dụng sau. Bắc nồi đất lên bếp, hạ khô thảo cho vào nồi, đổ nước vừa đủ, đun sôi bằng lửa mạnh, sau đó chuyển lửa nhỏ ninh 15 phút, vớt bỏ túi hạ khô thảo, thêm vào thịt heo nạc, nấu đến thịt nhừ thì hoàn tất.
Món ăn chính thích hợp dùng cho người cường năng tuyến giáp có triệu chứng tâm phiền dễ cáu, miệng khô, sốt hâm hấp.
Cháo chem chép trứng bắc thảo
Vật liệu:
– Chem chép khô (50g): tính ấm, vị mặn. Công năng bổ can thận, ích tinh khí, tiêu nhọt, cầm máu, tráng dương. Chem chép khô là món ăn “thực liệu” nhu can bổ thận, giàu dinh dưỡng, vị tươi ngon, dùng lâu có hiệu quả.
– Trứng bắc thảo (50g): tính mát, vị ngọt. Công năng tư âm, thanh phế, trị ho, cầm lỵ. Có chứa nhiều protid và lipid, dễ tiêu hóa hấp thu, còn chứa các chất dinh dưỡng như Ca, P, Fe và các vitamin.
– Gạo tẻ (100g).
– Muối tinh vừa đủ.
Chế biến: chem chép khô ngâm trong nước ấm, trứng bắc thảo lột vỏ thái hạt lựu, gạo tẻ vo sạch. Đổ nước dùng vào nồi vừa đủ, cho vào gạo tẻ, chem chép, trứng bắc thảo, đun sôi bằng lửa mạnh, chuyển lửa vừa, chờ khi gạo nở thì nêm muối.
Tác dụng: thơm ngọt mềm trơn, dinh dưỡng phong phú, dễ hấp thu.
Cách dùng: món ăn dùng cho người bị cường năng tuyến giáp. Trước và sau 1 tháng điều trị phóng xạ iod nên ít dùng.
Những món ăn này dễ làm, ăn ngon và giúp tránh được cho người tăng năng tuyến giáp.
Tăng năng tuyến giáp là bệnh nội tiết thường gặp, do tuyến giáp bài tiết thyroxin quá nhiều gây ra, với triệu chứng lâm sàng điển hình bồn chồn, tim đập nhanh, thèm ăn, sợ nóng ra mồ hôi, sụt cân, ngón tay run rẩy, mắt lồi… Nam nữ thanh niên, trung niên mắc bệnh nhiều hơn. Còn gọi là bướu cổ Basedow.
Cháo thịt nạc rong biển
Vật liệu:
– Rong biển khô (10g): tính hàn, vị ngọt, mặn. Công năng hóa đàm nhuyễn kiên, thanh nhiệt lợi thủy, trị ho. Nghiên cứu hiện đại cho thấy, rong biển chứa nhiều iod. Ngoài ra, rong biển giúp giảm hàm lượng cholesterol trong máu.
– Nếp (100g): tính ấm, vị ngọt. Công năng bổ trung ích khí, kiện tỳ chỉ tả. Nghiên cứu hiện đại nếp chứa dầu béo, tinh bột, amylase…, trong đó hàm lượng phosphor thấp hơn gạo.
– Thịt heo nạc xay (50g).
– Muối, giấm gạo mỗi thứ vừa đủ.
Chế biến: rong biển rửa sạch, xé nhỏ, sử dụng sau, nếp vo sạch. Đổ 1 lít nước vào nồi ninh cháo, khi cháo chín thêm rong biển, thịt xay, rồi nêm muối, giấm gia vị, ninh giây lát thì hoàn tất.
Món ăn có tác dụng tư bổ, thích hợp dùng cho người suy nhược cơ thể người bị tăng năng tuyến giáp. Nếp có tính dính khó tiêu, người vị nhược có thấp ít dùng.
Canh cá trích đậu phụ
Vật liệu:
– Đậu phụ (0,5 kg): tính hàn, vị ngọt. Công năng sinh tân nhuận táo, thanh nhiệt giải độc, thúc sữa. Thích hợp dùng cho người phế nhiệt đàm vàng, đau họng, miệng hôi vị nhiệt, táo bón.
– Cá trích (0,5 kg): tính bình, vị ngọt. Công năng kiện tỳ vị, chữa tiêu khát, sa đì. Cá trích tính hòa hoãn, giúp hành thủy mà không táo, bổ tỳ mà không nhu.
– Muối, bột nêm, dầu mè, hành, gừng, ngò rí mỗi thứ vừa đủ.
Chế biến: đậu phụ rửa sạch thái lát nhỏ, cá trích bỏ vảy và nội tạng, rửa sạch, hành cắt đoạn, gừng thái lát, ngò rí thái đoạn, sử dụng sau. Bắc chảo lên bếp, đổ nước vừa đủ, cho vào cá trích, hành, gừng, đun sôi bằng lửa mạnh, vớt váng, sau đó thêm đậu phụ, chuyển lửa nhỏ ninh 10 phút, nêm muối, bột nêm, dầu mè, ngò rí thì hoàn tất.
Tác dụng: vị ngon tươi tắn, khoái khẩu. Tư âm tiềm dương.
Món ăn thích hợp dùng cho người cường năng tuyến giáp gầy ốm. Thích hợp cho phụ nữ sau khi sinh thiếu sữa. Món canh cũng thích hợp cho người cao mỡ máu, thủy thũng.
Chè đậu xanh phổ tai
Vật liệu:
– Đậu xanh (100g): tính mát, vị ngọt. Công năng thanh nhiệt giải độc. Sức thanh nhiệt ở lớp vỏ, sức giải độc ở trong đậu.
– Phổ tai ngâm nở (50g): tính hàn, vị mặn. Công năng thanh nhiệt lợi thủy, nhuyễn kiên, cầm máu. Chứa algin có tác dụng cầm máu khi chảy máu động mạch, laminine có tác dụng giảm huyết áp.
– Gạo tẻ (100g): tính bình, vị ngọt. Công năng bổ trung ích khí, kiện tỳ chỉ tả.
– Trần bì (vỏ quít, 6g): tính ấm, vị cay, đắng. Công năng lý khí kiện tỳ, táo thấp hóa đàm. Nghiên cứu hiện đại khám phá, trong vỏ quít có chứa tinh dầu, flavonoid và vitamin B1, vitamin C… Giúp tăng cường hòa tan fibrin, chống hình thành huyết khối, có tác dụng lợi mật.
– Đường đỏ vừa đủ.
Chế biến: phổ tai rửa sạch thái sợi, đậu xanh và gạo tẻ vo sạch. Bắc chảo lên bếp, đổ nước, cho vào gạo tẻ, phổ tai sợi, đậu xanh, vỏ quít nấu chung, cho đến đậu nở, nêm đường hòa tan thì hoàn tất.
Người tăng năng tuyến giáp thích hợp dùng món ăn này. Trước và sau 1 tháng điều trị bằng phóng xạ iod thì kiêng dùng. Thích hợp dùng cho người bệnh cao mỡ máu, tăng huyết áp, cũng thích hợp dùng cho người bị rối loạn tiêu hóa, thực tích.
Nước hạt sen
Vật liệu:
– Liên tử (hạt sen cả lõi 50g): tính bình, vị ngọt, chát. Công năng dưỡng tâm, ích thận, bổ tỳ, sáp trường, cầm máu. Hạt sen chủ yếu chứa tinh bột, protid, lipid, carbohydrat, Ca, P, Fe…
– Muối vừa đủ.
Chế biến: hạt sen vo sạch, cho vào nồi thêm nước vừa đủ, ninh đến khi hạt sen chín nêm muối thì dùng. Dùng trước khi ngủ 2 giờ.
Món này thích hợp dùng cho người cường năng tuyến giáp trạng xuất hiện hồi hộp, mất ngủ. Cũng thích hợp dùng cho người bị cường năng tuyến giáp xuất hiện tiêu chảy, di tinh.
Lương y DS. Bàng Cầm