Mỹ phẩm – con dao hai lưỡi

Mỹ phẩm – con dao hai lưỡi

Không thể phủ nhận rằng, sử dụng mỹ phẩm để làm đẹp khiến cho chị em phụ nữ tự tin hơn trong cuộc sống, nhưng cũng không nên quên rằng, những thành phần hóa học có trong mỹ phẩm có thể là nguyên nhân gây ra những rối loạn sinh lý và bệnh tật cho người dùng. Ðáng tiếc là ngày càng có nhiều người bị mê hoặc bởi những lời quảng cáo mỹ phẩm “có cánh” mà không biết những sản phẩm này có thể gây nguy hại cho cơ thể, sức khỏe và cho chính… vẻ đẹp của mình. 

Sử dụng không đúng cách

Nhu cầu làm đẹp đã trở thành tất yếu đối với phụ nữ hiện đại. Những nghiên cứu khoa học về mỹ phẩm trên thế giới đã chỉ ra rằng, có nhiều loại mỹ phẩm khá “được việc” như kem chống nắng, kem dưỡng da, sữa rửa mặt, sữa tắm… bởi nó có chứa những thành phần hấp thu tia cực tím, làm ẩm da… Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng bởi người dùng sẽ mất đi một số dấu hiệu nhận biết việc da bị bỏng nắng.

Ngoài ra, khi sử dụng các sản phẩm có SPF quá cao sẽ khiến những chất hóa học trong sản phẩm kết hợp với mồ hôi gây một số tác dụng phụ như đỏ da, phát ban, mụn nước… Đặc biệt, những người đang có vấn đề về da như bị dị ứng, nám, trứng cá… cần phải có sự tư vấn của bác sĩ da liễu trước khi dùng kem chống nắng. Ở Việt Nam, sản phẩm kem chống nắng có độ SPF trung bình là sự lựa chọn phù hợp, khi trong thành phố chỉ cần dùng sản phẩm có độ SPF từ 20 – 30, đi biển thì chọn loại có chỉ số SPF từ 60 trở lên là đủ.

Ở Việt Nam, khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, những người có làn da thường hoặc nhờn không nên sử dụng kem dưỡng ẩm bởi chúng sẽ phản tác dụng khi làm cho da nhờn thêm, tạo môi trường cho vi khuẩn sinh sôi, gây mẩn ngứa, nổi mụn trên da. Đặc biệt, với làn da mỏng, nhạy cảm đặc trưng của phụ nữ Việt Nam thì việc sử dụng kem tẩy trắng là hết sức thận trọng bởi đa số kem tẩy trắng có chứa muối chì hoặc acid loãng bào mòn da, dễ gây thương tổn da.

Hàng ngày, khi sử dụng mỹ phẩm để trang điểm nếu bạn lơ là hay lười biếng không tẩy sạch sẽ trước khi đi ngủ thì một số thành phần hóa học của mỹ phẩm còn lưu lại trên da sẽ phá huỷ các tế bào da, khiến tế bào “chết” nhanh hơn. Thường thì dấu hiệu đầu tiên của những tổn thương do sử dụng mỹ phẩm không đúng cách là dị ứng da, nặng hơn có thể là bỏng da, thậm chí loét da, viêm da… Khi làn da đã bị tổn thương, rất khó có thể phục hồi như lúc ban đầu.

 

Nhiều tá dược là… độc chất

Một cuộc khảo sát cho thấy, trên thế giới, có 250 ngàn phụ nữ sử dụng tới 15 loại sản phẩm mỗi ngày. Tuy nhiên, chỉ có 1% sản phẩm họ sử dụng có thành phần (được liệt kê trong cuộc khảo sát) được cho là an toàn và có tới 70% sản phẩm có thành phần tạp chất gây nguy hiểm. Thậm chí, có tới 30% sản phẩm có chứa ít nhất một tá dược nằm trong danh sách nhóm hóa chất gây ung thư…

Ở Mỹ, nhiều hãng mỹ phẩm đã sử dụng nhiều nguyên liệu tá dược không thông qua chuẩn của cơ quan FDA (Cơ quan quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ) để sản xuất. Một cuộc khảo sát do các nhà khoa học Viện Sức khỏe và An toàn Nghề nghiệp Hoa Kỳ  cho thấy, có tới 800 hóa chất dùng trong kỹ nghệ mỹ phẩm đã từng được báo cáo là độc chất.

Với mỹ phẩm, việc dị ứng là điều nguy hại và có nguy cơ khá cao ngay cả khi nhà sản xuất quảng cáo sản phẩm của họ “ít gây dị ứng”. Thông thường, hóa chất nào cũng có nguy cơ gây dị ứng, nhất là mỹ phẩm dùng trực tiếp trên da, có mùi. Các chất giữ mùi có thể gây dị ứng, ung thư, rối loạn tiết tố. Nhiều tá dược trong dầu gội đầu, sữa tắm, kem đánh răng… có khả năng gây các bệnh ung thư, đục thủy tinh thể, ảnh hưởng lên gan, thận, não và gây nhiều tác hại khác.

Nhiều loại hóa mỹ phẩm được bày bán hiện nay chứa những chất là sản phẩm phụ của dầu hỏa (những chất đã được cảnh báo về tác hại đối với sức khỏe). Theo tờ Le Monde (Pháp) số ra ngày 23/5/2011, chất Parabens thường được sử dụng làm chất bảo quản trong 80% mỹ phẩm, có khả năng gây ung thư vú, vô sinh ở nam. Bài báo cũng công bố 400 loại dược mỹ phẩm có uy tín và được sử dụng rộng rãi có chứa Parabens.

Ngoài ra, corticoid và AHA cũng là hai hóa chất được dùng trong nhiều loại kem dưỡng da. Đây là những loại chất có tác dụng lột bỏ những tế bào già cỗi, tạo lớp tế bào mới trắng hơn. Khi sử dụng loại kem dưỡng có chứa corticoid hoặc AHA, ban đầu làn da sẽ trắng hơn, mỏng hơn nhưng nếu dừng sử dụng mỹ phẩm có chứa chất này thì trên da lập tức xuất hiện mụn và các dấu hiệu dị ứng da.

Mặt khác, chu kỳ để lớp biểu mô sinh ra và phát triển thành lớp biểu bì là 4 tuần. Khi dùng các sản phẩm có chứa corticoid hoặc AHA, thời gian đầu da trắng lên nhưng lại bị đen nhanh chóng và ngày càng đen hơn. Đó là do lớp da non vừa được lột chưa kịp phục hồi đã bị lột tiếp, khiến da bị tổn thương, bỏng nhẹ và rát. Khi đó, da rất mẫn cảm với thành phần bức xạ mặt trời, thậm chí dễ bị dị ứng. Sau một thời gian dùng các loại mỹ phẩm này, da mặt đỏ, ngứa, rát và sạm đen.

Riêng đối với phụ nữ mang thai thì nên cân nhắc kỹ khi sử dụng mỹ phẩm. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, trong một số loại kem chống nắng có chứa DDT – một loại thuốc trừ sâu đã bị cấm ở Mỹ và nhiều hóa chất bị cấm khác. Khi sử dụng những loại mỹ phẩm này, chất độc sẽ thẩm thấu vào cơ thể, có mặt trong máu, nước tiểu và huyết thanh của bà mẹ mang thai và ảnh hưởng trực tiếp tới thai nhi.

Trong những năm gần đây, mối nguy cơ tiềm ẩn từ mỹ phẩm đã được các nhà khoa học liên tục cảnh báo. Mối nguy cơ tiềm ẩn tập trung phần lớn ở nguồn mỹ phẩm nhập lậu. Chính vì thế, chị em phụ nữ cần hết sức thận trọng với các sản phẩm mỹ phẩm xách tay, không rõ nguồn gốc. Trước khi sử dụng, cần tìm hiểu rõ thành phần của chúng có thích hợp với làn da của mình hay có chứa hóa chất độc hại không để tránh tiền mất, tật mang, ảnh hưởng xấu tới sắc đẹp và sức khỏe lâu dài của bản thân.