Nên tiêm ngừa uốn ván khi chưa có vết thương

Nên tiêm ngừa uốn ván khi chưa có vết thương

Hỏi: Chào bác sĩ. Tôi 35 tuổi, sức khỏe bình thường. Cách đây 2 ngày, tôi đạp phải kẽm gai. Nghe một số người khuyên, tôi có rửa chân bằng nước sạch và nặn máu vùng đó ra. Sau đó, tôi dùng băng cá nhân băng kín lại. Xin hỏi bác sĩ, liệu việc tôi nặn máu và dùng băng kín như vậy có đúng không? Tiếp theo, tôi phải làm gì để phòng ngừa những hậu quả xấu có thể xảy ra? Có nên đi tiêm ngừa ngay hay không? Cám ơn bác sĩ.

Trả lời:

Chào anh,

Khi đạp phải kẽm gai, anh đã xử lý vết thương bằng cách rửa sạch và nặn máu vùng ấy ra như vậy là rất tốt. Tiếp theo, anh cần lưu ý: nếu sau khi xử lý mà vết thương vẫn bị nhiễm trùng thì anh nên đến các cơ sở y tế khám lại để xác định gỉ sét còn sót lại trong vết thương hay không. Một nguy cơ khác anh có thể gặp là bệnh uốn ván (hay phong đòn gánh). Vi khuẩn, đặc biệt là bào tử uốn ván, có mặt khắp nơi trong đất cát, bụi, gỉ sét, phân trâu bò ngựa và gia cầm, cống rãnh… xâm nhập vào các vết thương, vết xây xước và phát triển thành ổ nhiễm trùng gây bệnh uốn ván. Thông thường, thời kỳ ủ bệnh của vi khuẩn khoảng 4 – 21 ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp vi khuẩn ở rất lâu và sinh sôi trong cơ thể, khi đủ động lực sẽ phát triển thành bệnh uốn ván sau nhiều tháng, nhiều năm.

Vì vậy, phòng bệnh uốn ván bằng cách tiêm ngừa vaccine được xem là phương pháp phòng bệnh hiệu quả và rẻ tiền nhất. Sau khi bị vết thương do bất kỳ nguyên nhân gì, anh cũng nên đến cơ sở y tế để tiêm ngừa uốn ván càng sớm càng tốt. Nếu anh đã tiêm miễn dịch cơ bản đầy đủ hoặc đã được tiêm liều nhắc lại trong 5 năm thì không cần tiêm nữa. Nếu tiền sử không rõ tiêm hay chưa thì anh sẽ được tiêm huyết thanh kháng uốn ván và vaccine cùng lúc. Một tháng sau tiêm nhắc liều vaccine thứ hai và sáu tháng sau tiêm liều thứ ba để đảm bảo thời gian bảo vệ được 5 năm. Sau 5 năm, anh tiêm thêm 1 liều có hiệu quả kéo dài 10 năm. Vì nguy cơ sốc phản vệ khi tiêm huyết thanh rất cao, ngành y tế thường khuyến cáo người dân nên chủ động tiêm ngừa vaccine ngay cả khi chưa có vết thương.

Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Minh Ngọc