Nguyên nhân gây đau dây thần kinh tọa

Nguyên nhân gây đau dây thần kinh tọa

Ðau dây thần kinh tọa thường gặp ở nam giới hơn nữ giới và thường ở lứa tuổi 30-50. Ðau dây thần kinh tọa do tổn thương rễ chiếm 90-95% còn lại là do tổn thương dây và đám rối.

Có 2 nhóm nguyên nhân chính:

1. Nguyên nhân toàn thân:

Viêm dây thần kinh tọa do nhiều bệnh khác nhau như giang mai giai đoạn III, lậu, cúm, thấp tim, thương hàn, sốt rét. Nhóm này thường ít gặp.

2. Nhóm nguyên nhân tại chỗ:

a. Thoát vị đĩa đệm:

– Thoát vị đĩa đệm là nguyên nhân thường gặp nhất của đau dây thần kinh tọa do tổn thương rễ.

– Ở người trẻ đang độ tuổi lao động, thoát vị đĩa đệm thường gặp cấp tính sau các động tác gắng sức mạnh không đúng tư thế của cột sống (cúi xuống nâng vật nặng sai tư thế, cử động đột ngột của thân…) gây đau thắt lưng hông cấp tính.

– Ở người lớn tuổi, thoái hoá đĩa đệm là nguyên nhân hay gặp gây đau thắt lưng hông mạn tính và tái phát.

– Ở người béo phì nguy cơ bị nhiều hơn. Có khi tổn thương đĩa đệm do vi chấn thương kéo dài trong cuộc sống hàng ngày như lái xe đường dài, tư thế xấu (như lệch người sang một bên hay cúi ra trước) trong thời gian dài. Lúc này chỉ một gắng sức nhẹ cũng có thể gây thoát vị đĩa đệm.

Thoát vị thường về phía sau bên và ở đĩa đệm giữa đốt sống L4-L5 (rễ L5) hay giữa L5-S1 (rễ S1).

b. Thoái hóa cột sống thắt lưng cùng:

Thường là mạn tính đưa đến tổn thương thoái hóa xương sống như loãng xương, nhuyễn xương, mọc gai xương, biến dạng thân đốt sống, cầu gai xương một hay nhiều đốt sống kèm phì đại dây chằng. Không chỉ thế mà còn gây thoái hóa đĩa đệm (nhân nhầy và vòng xơ) nên dễ gây thoát vị đĩa đệm.

c. Trượt cột sống (spondylolisthesis):

Ðốt sống bị trượt ra phía trước hoặc sau trên một đốt sống khác, do bẩm sinh hay chấn thương. Nữ gặp nhiều hơn nam. Trượt đốt sống hay kèm với thoái hoá cột sống, tổn thương các rễ thần kinh (hay gặp L5), hẹp ống sống thắt lưng và nặng có thể có hội chứng đuôi ngựa.

d. Viêm đốt sống (spondylitis):

Gặp ở người có tuổi, đau thắt lưng hông có đặc điểm tăng lên khi vận động và thường không có sự tương xứng giữa lâm sàng và chụp X quang. Tổn thương viêm đốt sống gây chèn ép các rễ thần kinh, gây hẹp ống sống thắt lưng và trong một số ít các trường hợp gây hội chứng đuôi ngựa trên lâm sàng.

e. Viêm cột sống dính khớp (ankylosing spondylitis):

Khác với viêm đốt sống, thường tiến triển âm thầm với biểu hiện đau thắt lưng hông và mông, cứng khớp cột sống vào buổi sáng, gặp ở nam giới trước 40 tuổi, đau tăng về đêm và không đỡ đau khi nghỉ. Xét nghiệm có máu lắng tăng cao, kháng thể kháng HLA-B27, X quang thấy các đốt sống dính với nhau mất khe khớp tạo nên hình ảnh “đốt tre” điển hình.

f. Chấn thương:

Trực tiếp vào dây thần kinh tọa, gãy xương cột sống thắt lưng, gãy xương chậu, do tiêm trực tiếp vào dây tọa hay do tiêm thuốc thuốc dạng dầu ở mông lan tới dây thần kinh toạ, phẫu thuật áp xe mông.

g. Các khối u:

– U nguyên phát: u màng tuỷ, u đốt sống, u thần kinh.

– U di căn: di căn từ các ung thư biểu mô (tuyến tiền liệt, vú, phổi, thận, đường tiêu hoá), bệnh đa u tuỷ xương, u lympho (Hodgkin và không Hodgkin).

h. Nhiễm trùng cột sống:

– Viêm cột sống do vi khuẩn.

– Do tụ cầu: thường gặp sau các nhiễm trùng ngoài da, tiết niệu, phổi và sau tiêm tĩnh mạch không vô khuẩn tốt.

– Viêm cột sống do lao (bệnh Pott): thường thứ phát sau lao phổi.

– Áp xe ngoài màng cứng.

i. Các nguyên nhân khác:

– Hẹp ống sống thắt lưng: nguyên nhân do mắc phải (75%), bẩm sinh hoặc phối hợp cả hai.

– Phì đại diện khớp (facet joint hypertrophy): thường ở một bên và gây chèn ép các rễ thần kinh tương ứng.

– Viêm màng nhện dày dính vùng thắt lưng-cùng: viêm, xơ hoá gây dày dính màng nhện và chèn ép các rễ thần kinh, nguyên nhân không rõ và thường thấy sau các phẫu thuật vùng thắt lưng-cùng, sau các nhiễm trùng mạn tính, chấn thương, chảy máu dưới nhện, gây tê tuỷ sống…

– Bệnh Paget.

 >> Tổng quan Tê nhức chân tay Bảo Nguyên