Nguyên nhân tim bẩm sinh ở trẻ em

Nguyên nhân tim bẩm sinh ở trẻ em

Từ ngày thứ 25 sau khi thụ tinh, ở bào thai đã bắt đầu hình thành hệ tuần hoàn. Đến tuần thứ 8, quả tim đã được tạo ra hoàn chỉnh. Vì vậy, các tác động từ bên ngoài trong thời gian này đều có thể để lại những dị tật cho tim.

>> Những bệnh tim bẩm sinh thường gặp

>> Bệnh tim bẩm sinh không tím

Theo thống kê tại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP HCM, bệnh tim bẩm sinh chiếm tỷ lệ 0,8% trong các trường hợp mang thai đầu tiên và 2-6% các trường hợp mang thai lần 2. Nếu trong gia đình đã có 2 người có dị tật tim bẩm sinh, nguy cơ này ở đứa trẻ sẽ ra đời là 20-30%.

Có đến 50% trường hợp bệnh tim bẩm sinh không xác định được nguyên nhân; số còn lại do 2 nguyên nhân sau:

Di truyền: Do đột biến gene hay đột biến nhiễm sắc thể trong quá trình mang thai, hoặc di truyền từ thế hệ trước.

Tác động của môi trường: Do lúc mang thai, người mẹ mắc bệnh, bị nhiễm trùng, nhiễm virus (đặc biệt là cúm và Rubeole), uống rượu quá nhiều, ngộ độc hóa chất và các thuốc chữa bệnh hoặc bị ảnh hưởng của tia phóng xạ.

Trẻ mắc bệnh tim không nhất thiết phải tránh hoàn toàn các hoạt động thể lực. Trái lại, việc tập luyện vừa sức sẽ làm tăng khả năng thích ứng của cơ thể. Nên tiến hành tiêm chủng bình thường cho trẻ. Nếu trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, cần điều trị cẩn thận để không làm cho các tổn thương và tình trạng suy tim trầm trọng thêm.

Những bé gái bị bệnh tim bẩm sinh nếu được phẫu thuật vẫn có thể sinh con bình thường. Khi chưa điều trị, người phụ nữ mắc bệnh này phải tìm cách tránh thai vì việc mang thai sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng người mẹ.

Việc phẫu thuật để chữa các dị tật tim bẩm sinh khá đơn giản. Đối với các lỗ thông tim, có thể bít lại bằng các kỹ thuật mới mà không cần mổ.

Thanh Niên