BS Vũ Quý Hợp, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Nhi TƯ cho biết, mới đầu mùa hè, đã có nhiều trẻ viêm não phải vào khoa Truyền nhiễm để điều trị. Hiện có khoảng trên 20 trẻ viêm não đang được điều trị tại khoa.
Ảnh minh họa (Nguồn: CIMSI)
Trên 20 bệnh nhi viêm não phải vào viện điều trị là do nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo BS Hợp, kinh nghiệm điều trị cho thấy, thời tiết càng nắng nóng thì số trẻ phải nhập viện vì viêm não càng tăng. Vì thế, cứ vào mùa này, khoa Truyền nhiễm lại luôn trong tình trạng quá tải, chỉ có 50 giường bệnh mà lúc nào cũng có khoảng 100 bệnh nhân nội trú.
Tuy số lượng các ca viêm não Nhật Bản đã giảm, nhưng trên thực tế, các bệnh nhi nhập viện đều ở tình trạng bệnh lý rất nặng, hầu như đều có biến chứng thần kinh. Vì thế, PGS.TS. Phạm Nhật An, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cảnh báo, các bậc phụ huynh cần lưu ý, khi thấy con có dấu hiệu của viêm não, cần đưa tới viện sớm điều trị, giảm nguy cơ biến chứng.
Bệnh khởi đầu với các biểu hiện kém ăn, có các triệu chứng sốt nhẹ, sổ mũi, tiêu chảy, nhức đầu, nôn mửa… và có thể có rối loạn tâm lý, trong trường hợp nặng, trẻ có thể bị co giật, động kinh, sốt cao. Thời gian ủ bệnh trước khi có triệu chứng từ 4 – 8 ngày.
“Trong các bệnh viêm não mùa hè, thì viêm não Nhật Bản là một căn bệnh nguy hiểm. Bệnh thường xảy ra tháng 5 đến tháng 9, khi mưa nhiều, nhiệt độ cao, hoa trái nhiều tạo điều kiện cho muỗi Culex muỗi (vật trung gian truyền bệnh) phát triển, sinh sôi mạnh mẽ. Viêm não Nhật Bản là bệnh để lại nhiều di chứng nặng nề, kéo dài ở hệ thần kinh như hạn chế vận động, chậm phát triển trí tuệ… cho trẻ, với tỷ lệ tử vong khoảng từ 0,3 – 60%”, PGS An nói.
Cho đến nay, chưa có một phác đồ điều trị đặc hiệu cho bệnh này. Ðiều trị chủ yếu là làm bớt đi phần nào các triệu chứng, cứu người bệnh qua khỏi cơn nguy kịch do suy hô hấp, trụy tim mạch, nhiễm trùng. Sau giai đoạn này, người bệnh cần được huấn luyện phục hồi chức năng. Cơ hội phục hồi tốt hơn nếu người bệnh được đưa đến viện sớm để được chẩn đoán, điều trị bệnh kịp thời.
Theo PGS.TS Phạm Ngọc Đính, nguyên Viện Phó Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, tất cả mọi người đều có khả năng nhiễm vi rút viêm não Nhật Bản, nhưng chỉ những người chưa có miễn dịch mới biểu hiện bệnh. Cách tạo ra miễn dịch chủ động tốt nhất là cho trẻ tiêm vắc xin phòng viêm não Nhật Bản đủ 3 mũi, theo đúng lịch hẹn.
Ngoài ra, để phòng căn bệnh nguy hiểm này, mỗi gia đình cần tăng cường vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, nạo vét cống rãnh, ao hồ, không để nước tù đọng; phun thuốc diệt muỗi, diệt bọ gậy ở chum, vại, bồn, chậu chứa nước, nằm màn… Chú ý không cho trẻ cởi trần, chơi ở các vùng ẩm thấp, nhiều hoa nhãn, vải có rất nhiều ruồi, muỗi.
Hồng Hải