Huyết áp thấp là chứng bệnh thường gặp và có thể gây nhiều biến chứng cho người bệnh, thậm chí có thể dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
>> Hạ huyết áp tư thế: không nên xem thường
>> Nguyên nhân thường gặp của hạ huyết áp
Vì cơ thể khá mập mạp, chị Nguyễn Thị Hương Nhài (35 tuổi, Hà Nội) đã tăng cường tập luyện thể dục và thường xuyên nhịn ăn, hoặc ăn rất ít vào bữa tối. Nhưng vì áp dụng giảm cân thiếu khoa học, kèm theo đó là công việc luôn căng thẳng khiến chị thường xuyên thấy người choáng váng, mệt mỏi… Vào bệnh viện khám, chị mới hay mình bị huyết áp thấp.
Theo các chuyên gia, Huyết áp thấp có hai dạng: huyết áp thấp nguyên phát và huyết áp thấp thứ phát. Huyết áp thấp nguyên phát thường không tìm được căn nguyên của bệnh. Dạng này hay gặp ở phụ nữ trong tuổi dậy thì, sau khi sinh con và giai đoạn mãn kinh. Huyết áp thấp thứ phát có căn nguyên cụ thể và được chia làm hai loại: Huyết áp thấp thứ phát cấp tính thường do chấn thương gây mất máu, do tiêu chảy gây mất nước và điện giải, do dùng quá liều thuốc hạ huyết áp…; Huyết áp thấp thứ phát mạn tính thường gặp trong các bệnh suy tuyến giáp trạng, suy tuyến thượng thận, viêm tuỵ mạn tính, viêm đại tràng và dạ dày kéo dài gây suy nhược cơ thể…
Một người đựơc coi là huyết áp bình thường nếu như huyết áp đo được ở mức khoảng 120/80 mmHg. Thông thường huyết áp có thể dao động giữa 90-140 (tâm thu) và 60 – 90 (tâm trương). Người bị coi là huyết áp thấp nếu như chỉ số huyết áp tâm thu < 90 hoặc huyết áp tâm trương < 60.
Những người huyết áp thấp thường có biểu hiện: mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, vã mồ hôi, chân tay lạnh, giảm tập trung trí lực, dễ nổi cáu, khi thay đổi tư thế có thể choáng váng, ngất… Nếu bệnh nhân bị tụt huyết áp nhiều lần, hệ thống thần kinh bị suy giảm chức năng, cơ thể không tự kịp điều chỉnh để cung cấp đủ dinh dưỡng và oxy cho các cơ quan như não, tim, thận, gây tổn thương các cơ quan này. Huyết áp thấp có thể dẫn đến tình trạng đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy thận, tai biến mạch máu não… gây nguy hiểm đến tính mạng.
Để ngăn ngừa huyết áp thấp, bệnh nhân phải ăn đủ chất và duy trì chế độ ăn hợp lý với 3-4 bữa/ngày. Việc nhịn đói sẽ gây tụt huyết áp do hạ đường huyết. Đặc biệt ăn bữa sáng là điều rất quan trọng nên không thể bỏ qua. Bệnh nhân nên ăn mặn hơn so với người bình thường, nên uống nhiều nước, hạn chế uống rượu, bia.
Người bị huyết áp thấp cần thực hiện chế độ tập luyện đều đặn mỗi ngày, như đi bộ, cầu lông, chạy, tập yoga… Tuy nhiên việc tập luyện phải tùy sức, không tập cố, không tập khi đói cũng như ngay sau khi ăn no. Bên cạnh đó bệnh nhân cũng nên giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ và bình tĩnh trong mọi tình huống.
Số điện thoại tư vấn: 043.995.3167