Một năm đã qua đi, nhưng những ký ức buồn về những vụ việc trong lĩnh vực y tế gây chấn động vẫn còn ám ảnh nhiều người trên thế giới. Ðó là những vụ scandal ảnh hưởng tới cả sức khỏe và tiền bạc của rất nhiều người, làm “rung chuyển” cả ngành nghề mà nhiều người vẫn gọi là nghề… cứu người.
Áo độn ngực có chất độc
|
8.000 phụ nữ Pháp và hàng chục nghìn người ở các quốc gia khác đã tháo bỏ các túi độn ngực silicon do Hãng PIP (Poly-Implant Prosthese) của Pháp sản xuất. Đây được coi là vụ bê bối y tế lớn và dài, ảnh hưởng tới sức khỏe nhiều người ở nhiều quốc gia trong ngành phẫu thuật thẩm mỹ. Bởi dung dịch được sản xuất túi độn ngực PIP là chất sử dụng trong sản xuất công nghiệp, có khả năng gây ung thư nếu bị vỡ. Vụ việc được phát hiện từ năm 2010, nhưng mãi đến năm 2012 mới có gần 8.000 phụ nữ Pháp gỡ bỏ miếng độn ngực, trong đó đã phát hiện được 48 trường hợp cấy túi ngực PIP bị ung thư vú.
Sản xuất thuốc từ kim loại và từ bào thai
|
Trung Quốc vốn là cái nôi của rất nhiều các sản phẩm bị làm giả, làm nhái, nhưng vụ việc gây chấn động Trung Quốc là khi các cơ quan chức năng Trung Quốc phát hiện ra hàng chục triệu vỏ viên thuốc dạng con nhộng nhiễm crom, một kim loại nặng rất độc, nguy hiểm đối với sức khỏe con người, phá hoại nội tạng người nếu dùng lâu dài. Một vụ việc cũng làm người tiêu dùng kinh hoàng khi hải quan Hàn Quốc đã thu giữ hàng chục nghìn viên con nhộng do Trung Quốc sản xuất từ… “bột thịt người”. Các cuộc kiểm tra cho thấy, 99,7% thành phần tạo nên những viên thuốc này từ nhau thai và bào thai đã chết, thậm chí qua ADN, người ta còn xác định được cả giới tính của bào thai.
|
Thuốc Mediator “gây ra” cái chết của 1.300 người
Đây là một loại thuốc chuyên dùng cho bệnh nhân đái tháo đường lại được bác sĩ sử dụng để điều trị hỗ trợ giảm cân. Kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu y khoa Pháp làm rung động giới y khoa bởi loại thuốc này chuyên dùng để giảm lượng lipid giúp bệnh nhân đái tháo đường kiểm soát đường huyết, song nó lại được kê cả cho bệnh nhân không mắc bệnh đái tháo đường muốn giảm cân bởi tác dụng phụ của thuốc là làm tăng áp lực phổi và hủy hoại van tim. Công ty sản xuất đã che giấu sự việc này để bán hàng trăm triệu gói thuốc như một loại thuốc giảm cân.
|
Hãng dược phẩm Roche che giấu hàng chục nghìn báo cáo về tác dụng phụ của thuốc
Công ty Dược phẩm Roche, Thụy Sĩ bị các nhà chức trách điều tra khi che giấu 80.000 báo cáo về các bệnh nhân bị tác dụng phụ của thuốc trong suốt 15 năm qua, trong đó có 15.000 trường hợp đã tử vong. Theo đó, có khoảng 19 loại thuốc do hãng này sản xuất chủ yếu để điều trị ung thư vú, ung thư ruột, viêm gan B, thuốc chữa các bệnh về da và mắt đều có tác dụng phụ. Các bệnh viện đã thông báo đến Cơ quan Kiểm soát của hãng về các tác dụng phụ gặp phải khi điều trị cho bệnh nhân nhưng những thông tin này đã bị giấu nhẹm.
|
Chính sách 1 con ở Trung Quốc
Tháng 6/2012, một vụ việc đã gây phẫn nộ đối với người dân Trung Quốc là một phụ nữ mang thai tháng thứ 7 ở tỉnh Thiểm Tây đã bị cưỡng ép phá thai vì cô đã vi phạm chính sách 1 con của Trung Quốc. Người mẹ này tên là Feng Jianmei, cô đã có 1 đứa con và lại mang bầu một em bé nữa. Do không có tiền nộp phạt (khoảng 40.000 NDT), cô đã bị một nhóm người bắt đưa đến bệnh viện. Tại đây, cô được tiêm thuốc phá thai và con cô đã qua đời ngay sau đó. Sự việc đã được gia đình nạn nhân đưa lên mạng và tạo ra làn sóng phản đối chính quyền địa phương vì cách thức áp dụng chính sách của nhà nước họ.
WHO cảnh báo nhiều loại thuốc chữa sốt rét, lao không đủ liều lượng
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo “giật mình” sau khi công bố một nghiên cứu cho thấy, 8% các loại thuốc điều trị sốt rét mà WHO thông qua không đủ liều lượng và có thể làm cho vi khuẩn kháng thuốc. Nghiên cứu được thực hiện trên hàng chục quốc gia trên thế giới với hàng nghìn loại thuốc khác nhau. Trong đó chủ yếu là các thuốc chữa bệnh sốt rét, lao và nhiễm khuẩn. Tỷ lệ thuốc kém chất lượng nhất là thuốc do Trung Quốc sản xuất, với hơn 17% điều trị thất bại.
|
Bác sĩ cắt nhầm vú
Paterson – một chuyên gia về ung thư vú ở Anh bị cáo buộc vì đã tiến hành phẫu thuật cắt vú cho 450 phụ nữ khi họ hoàn toàn khỏe mạnh thì bị đưa lên bàn mổ để bóc tách “khối u”. 100 người đã lên tiếng yêu cầu được bồi thường. Ngoài ra, ông này còn áp dụng một phương pháp mổ mới cho khoảng 700 bệnh nhân mà kỹ thuật này làm tăng nguy cơ tái phát bệnh. Đây được xem là scandal y tế lớn ở Anh trong vòng hàng chục năm qua. Hàng trăm bệnh nhân của ông này đã được kiểm tra y tế, vị bác sĩ Paterson đã bị treo giấy phép hành nghề.
GlaxoSmithKline bị phạt số tiền kỷ lục vì gian lận
Hãng dược phẩm GlaxoSmithKline (GSK) của Anh đã phải nộp phạt 3 tỉ USD để dàn xếp vụ kiện về gian lận chăm sóc sức khỏe ở Mỹ. Theo đó, GSK đã quảng cáo những tác dụng của một số loại thuốc trong khi chưa được cấp phép, che giấu các dữ liệu liên quan đến độ an toàn của thuốc, bán thuốc thông qua chương trình Bảo hiểm y tế của Mỹ với giá quá cao, gian lận trong việc chi hoa hồng lót tay cho bác sĩ kê đơn… Sau đó, những người từng làm cho GSK đứng lên tố cáo vụ việc đã bị công ty này sa thải, tuy nhiên, sau khi xác nhận những tố cáo của họ là đúng sự thật, những người này sẽ nhận được một khoản tiền bồi thường.
Gần 500 người bị viêm màng não do tiêm steroid
Cơ quan Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, số người bị nhiễm bệnh viêm màng não do nấm đã lên tới 500 người chỉ trong vòng 2 tháng. Những người này được cho là đã tiêm steroid chữa chứng đau lưng hoặc đau xương khớp, số người bị mắc bệnh trải rộng tại 19 bang, đã có 34 người chết. Đây là loại thuốc không đạt chất lượng của hãng dược phẩm New England (NECC) sản xuất ở Mỹ. Theo ghi nhận, người nhiễm bệnh viêm màng não còn do uống thuốc đã bị nhiễm khuẩn cũng do hãng này sản xuất. Hàng chục nghìn liều thuốc đã bị thu hồi trên 70 cơ sở y tế ở Mỹ.
Phan Anh (Theo Daily Mail, Reuter)
Số điện thoại tư vấn: 043.995.3167